![]() |
Thị trường nguyên liệu công nghiệp 8/4: Cà phê, ca cao, đường đồng loạt lao dốc |
Phiên giao dịch đầu tuần ghi nhận giá cà phê thế giới giảm mạnh khi tâm lý lo ngại suy thoái lan rộng trong cộng đồng đầu tư. Tình hình trở nên trầm trọng hơn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump duy trì lập trường cứng rắn với các chính sách thuế thương mại, bất chấp những kỳ vọng trước đó về khả năng nhượng bộ.
Theo đó, Mỹ đã áp mức thuế cơ bản 10% đối với hầu hết hàng hóa nhập khẩu, đồng thời áp thuế cao hơn với nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước châu Á. Trung Quốc đang phải chịu tổng mức thuế vượt 50%, trong khi Việt Nam, nhà sản xuất cà phê robusta lớn nhất đối mặt với mức thuế 46%. Indonesia, quốc gia xuất khẩu robusta lớn thứ ba, chịu thuế 32%, còn Brazil, nước dẫn đầu về xuất khẩu arabica và đứng thứ hai về robusta bị đánh thuế 10%.
Hợp đồng tương lai cà phê robusta (RC2!) trên sàn ICE giảm mạnh 328 USD/tấn (tương đương 6,4%) xuống còn 4.800 USD/tấn, sau khi chạm đáy 4 tháng ở mức 4.751 USD. Trong khi đó, giá arabica (KC1!) cũng lao dốc 5,7%, còn 3,448 USD/pound, đây là mức thấp nhất trong hai tháng qua.
Theo nhận định từ công ty môi giới Hedgepoint Global Markets, việc tăng thuế nhập khẩu có thể làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ cà phê tại Mỹ, quốc gia tiêu dùng cà phê và sôcôla lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là một trong những thị trường tiêu thụ đường hàng đầu.
Các đại lý thị trường cho biết, mặc dù Mỹ không nhập khẩu lượng cà phê quá lớn từ Việt Nam và Indonesia, nhưng bất kỳ sự suy giảm nào trong xu hướng tiêu dùng của nước này cũng sẽ gây ảnh hưởng mạnh tới giá nông sản toàn cầu.
Không riêng cà phê, giá ca cao cũng lao dốc đáng kể trong phiên đầu tuần. Tại London, hợp đồng ca cao (C2!) giảm 356 bảng (tương đương 5,6%) còn 6.014 bảng/tấn, sau khi có thời điểm chạm mức thấp nhất trong vòng 5 tháng là 5.971 bảng. Tại sàn New York, mã (CC1!) mất 5,4%, lùi về mốc 8.053 USD/tấn, nối tiếp đà giảm 8% trong phiên giao dịch cuối tuần trước.
Tâm lý thị trường tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi các dự báo tiêu cực về sản lượng ca cao giữa vụ tại Bờ Biển Ngà, quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất ca cao. Dù lượng ca cao cập cảng tại nước này tính đến ngày 6/4 đã tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái, các nhà xuất khẩu lo ngại nguồn cung sẽ giảm mạnh trong thời gian tới do điều kiện thời tiết không thuận lợi.
Ở thị trường đường, giá cũng đi xuống nhẹ. Đường thô (SB1!) giảm 0,8% xuống còn 18,68 cent/pound, sau khi chạm mức thấp nhất gần một tháng là 18,62 cent. Trong khi đó, đường trắng (SF1!) hạ 0,8%, về mức 533,90 USD/tấn.