Thập kỷ vàng của chỉ số S&P 500 đã kết thúc. (Ảnh: Jenny Chang-Rodriguez/BI). |
Thời kỳ thịnh vượng kéo dài một thập kỷ của thị trường chứng khoán sẽ sớm trở thành quá khứ, Goldman Sachs cho biết.
Theo đó, một báo cáo mới từ nhóm nghiên cứu chiến lược danh mục đầu tư của công ty dự báo rằng, chỉ số S&P 500 sẽ có tỷ suất lợi nhuận danh nghĩa hàng năm là 3% trong 10 năm tới, đưa nó vào nhóm 7% hiệu suất kém nhất kể từ năm 1930. Mức này cũng sẽ thua xa con số 13% mà chỉ số chuẩn này đã đạt được trong thập kỷ qua, theo dữ liệu của Goldman.
"Các nhà đầu tư nên chuẩn bị cho việc tỷ suất lợi nhuận của cổ phiếu trong thập kỷ tới sẽ nằm dưới phân bổ hiệu suất điển hình so với trái phiếu và lạm phát", các nhà phân tích viết.
Ngoài dự báo này, Goldman cũng cho rằng, cổ phiếu sẽ gặp khó khăn trong việc vượt trội hơn các tài sản khác trong 10 năm tới. Theo tính toán của họ, chỉ số S&P 500 có khoảng 72% khả năng sẽ thua kém trái phiếu và 33% khả năng sẽ không theo kịp lạm phát cho đến năm 2034.
Năm yếu tố chính dưới đây là lý giải cho triển vọng không mấy lạc quan của Goldman:
Đầu tiên, định giá của thị trường chứng khoán đang ở mức cao lịch sử, điều này cho thấy lợi nhuận trong tương lai sẽ thấp hơn, ngân hàng này cho biết. Các định giá hiện tại quả thực đang cao, với tỷ lệ giá trên lợi nhuận điều chỉnh theo chu kỳ (CAPE) ở mức 38 lần, tương đương với mức khoảng 97%.
Trong khi đó, tỷ lệ CAPE trung bình của chỉ số S&P 500 là 22%, theo Goldman.
Thứ hai, sự tập trung của thị trường đang ở mức cao nhất trong 100 năm qua, Goldman cho biết.
"Khi sự tập trung của thị trường cổ phiếu tăng cao, hiệu suất của chỉ số tổng thể sẽ bị ảnh hưởng mạnh bởi triển vọng của một số ít cổ phiếu", các nhà phân tích viết.
Các cổ phiếu này bao gồm các công ty công nghệ lớn như Nvidia và Alphabet, với hiệu suất của chúng đã giúp chỉ số S&P 500 tăng hơn 20% từ đầu năm đến nay. Mặc dù điều này đã dẫn dắt chỉ số qua một loạt các mức cao kỷ lục trong năm nay, nhưng nó cũng tạo ra một thị trường đầy rủi ro biến động và cần sự đa dạng.
"Các phân tích lịch sử của chúng tôi cho thấy rằng, rất khó cho bất kỳ công ty nào duy trì mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cao trong thời gian dài. Vấn đề tương tự cũng xảy ra với một chỉ số có tính tập trung cao", Goldman cho biết.
Trong khi một số người có thể tìm lý do để lập luận rằng cổ phiếu công nghệ sẽ duy trì động lực tăng trưởng, lịch sử cho thấy doanh thu sẽ chậm lại. Goldman cho biết, các công ty trong chỉ số S&P 500 có doanh thu tăng trưởng liên tục trên 20% đã chứng kiến sự suy giảm mạnh sau 10 năm.
Biểu đồ thể hiện sự tập trung của thị trường cổ phiếu Mỹ, với top 10 cổ phiếu dẫn đầu chỉ số S&P 500 chiếm trọng số lên tới khoảng 36%. (Ảnh: Goldman Sachs). |
Thứ ba, Goldman dự báo nền kinh tế sẽ suy giảm thường xuyên hơn trong thập kỷ tới. Công ty này cho biết, Mỹ sẽ chứng kiến bốn lần suy giảm GDP trong giai đoạn này, tương đương với 10% số quý. Điều này tăng từ hai lần suy giảm trong thập kỷ trước.
Goldman cũng cho biết, tỷ suất lợi nhuận cổ phiếu hàng năm thường trung bình âm 10% trong các giai đoạn suy thoái kinh tế.
Theo mô hình của Goldman Sachs, trong giai đoạn 10 năm tới nền kinh tế Mỹ sẽ trải qua 4 lần suy giảm kinh tế, tương đương 10% tổng số quý của giai đoạn 2024-2034. (Ảnh: Goldman Sachs). |
Yếu tố thứ tư ảnh hưởng đến mô hình lợi nhuận trong tương lai của Goldman là lợi nhuận doanh nghiệp. Với lập luận về sự tập trung ở trên, công ty này cho rằng, khi tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của các cổ phiếu lớn nhất trên thị trường chậm lại, điều này sẽ có tác động lớn đến toàn bộ thị trường.
Cuối cùng, yếu tố thứ năm là mức tương đối của lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm. Lợi suất trái phiếu này hiện đang vượt 4% khi các nhà đầu tư điều chỉnh kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất sau một loạt các báo cáo kinh tế mạnh mẽ và trong bối cảnh lạm phát vẫn cao.