Bài liên quan |
Triển khai hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững bằng nguồn ngân sách |
VinaCapital: Các quỹ đầu tư sẽ tăng cường “rót vốn” vào khu vực tư nhân |
Ngày 2/7, dữ liệu từ ADP – tổ chức chuyên theo dõi xu hướng việc làm trong khu vực tư nhân – cho thấy số lượng việc làm tại khu vực tư nhân Mỹ đã giảm 33.000 vị trí trong tháng 6, đánh dấu lần sụt giảm đầu tiên kể từ đầu năm 2023. Con số này gây bất ngờ mạnh khi tương phản hoàn toàn với mức tăng 29.000 việc làm hồi tháng 5 và xa rời mức kỳ vọng +95.000 việc làm mà giới phân tích dự báo trước đó.
“Đây là một cú sốc. Kể cả trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại, không ai ngờ khu vực tư nhân lại cắt giảm tuyển dụng sớm đến vậy”, chuyên gia Charu Chanana – chiến lược gia trưởng tại Saxo Bank (Singapore) nhận định. Báo cáo lần này có thể làm thay đổi toàn bộ cục diện kỳ vọng chính sách tiền tệ của Fed.
Trong giai đoạn 2022–2024, thị trường từng chứng kiến nghịch lý “tin xấu là tin tốt”, khi số liệu yếu thường được hiểu là dấu hiệu để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nới lỏng chính sách. Tuy nhiên, tâm lý ấy đang phai nhạt dần.
Sau báo cáo ADP, công cụ dự báo FedWatch của sàn CME ghi nhận xác suất Fed hạ lãi suất ngay trong tháng 7 đã tăng lên 25%, từ mức 20% chỉ một ngày trước đó. Điều này cho thấy tâm lý lo ngại đã lan sang cả các nhà giao dịch vốn dĩ ưa rủi ro – khi họ bắt đầu chuẩn bị cho kịch bản Fed buộc phải cứu thị trường.
![]() |
Thị trường lao động ở khu vực tư nhân Mỹ co lại sau hơn hai năm |
Trên thị trường tiền tệ, đồng USD có phản ứng lặng lẽ nhưng mang tính xu hướng. Chỉ số USD Index sáng 3/7 đứng quanh mốc 96,7, thấp hơn đỉnh hồi đầu tháng và tiệm cận mức đáy 3,5 năm 96,373 thiết lập hôm thứ Ba. Đồng bạc xanh suy yếu so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt:
EUR: 1,1796 USD/EUR – gần mức thấp nhất từ tháng 9/2021.
CHF: 0,7912 USD/CHF – thấp nhất kể từ tháng 1/2015.
GBP: 1,3635 USD/GBP – chịu thêm áp lực từ khủng hoảng tài khóa Anh.
JPY: giữ ổn định quanh 143,68 JPY/USD.
Diễn biến này cho thấy tâm lý thị trường đang dịch chuyển từ lo ngại chính sách sang lo ngại tăng trưởng – một xu hướng thường kéo theo nhu cầu tích trữ tài sản an toàn, đồng thời giảm kỳ vọng vào sức mạnh của đồng bạc xanh.
Cùng ngày với báo cáo việc làm, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố trên Truth Social rằng, Washington đã đạt được một thỏa thuận thương mại song phương với Việt Nam. Theo thông tin sơ bộ: Hàng hóa từ Việt Nam vào Mỹ sẽ chịu thuế 20%, thay vì 46% như dự kiến ban đầu. Hàng trung chuyển từ Trung Quốc qua Việt Nam sẽ chịu thuế 40%. Hàng hóa từ Mỹ vào Việt Nam sẽ được miễn thuế hoàn toàn.
Thông tin này tạm thời tạo lực đỡ cho tâm lý thị trường, đặc biệt trong bối cảnh hạn chót áp thuế mới của Mỹ là ngày 9/7. Tuy nhiên, giới phân tích đồng thuận rằng thỏa thuận với Việt Nam, dù mang ý nghĩa chiến lược khó có thể xóa bỏ lo ngại về nội lực kinh tế Mỹ đang suy yếu.
Ông Jim Baird – Giám đốc đầu tư tại Plante Moran Financial Advisors – nhận định: “Báo cáo ADP không chỉ là tín hiệu từ thị trường lao động. Nó là lời cảnh tỉnh sớm về khả năng điều chỉnh rộng khắp. Nếu dữ liệu chính thức từ Bộ Lao động công bố hôm nay xác nhận xu hướng này, Fed cần phản ứng nhanh”.
Báo cáo ADP tháng 6 không chỉ là một con số âm. Nó là điểm gãy trong chuỗi tăng trưởng của thị trường lao động tư nhân – nơi phản ánh trực tiếp sức khỏe doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như niềm tin của khu vực kinh tế thực.
Trong bối cảnh các yếu tố địa chính trị tạm thời lắng dịu, rủi ro nội sinh từ thị trường lao động có thể là nguyên nhân mới kéo giảm tốc nền kinh tế Mỹ, buộc Fed phải ra quyết định nhanh hơn, hoặc trả giá bằng suy thoái.