Tháo gỡ khó khăn để giúp doanh nghiệp hấp thụ vốn và phục hồi

15:12 25/07/2023

Để hỗ trợ doanh nghiệp, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, hơn bao giờ hết, bối cảnh kinh tế khó khăn như thế này, ngân hàng và doanh nghiệp nên ngồi lại với nhau.

Nội dung trên được ông Đào Minh Tú cho biết tại Hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp” diễn ra vào sáng 25/7, do Thời báo Ngân hàng tổ chức dưới sự chỉ trì của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại hội thảo
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại hội thảo "Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp" sáng 25.7.

Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp là vấn đề đang được quan tâm

Trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp và khó lường. Sản xuất, thương mại toàn cầu khó khăn; cạnh tranh chiến lược, xung đột địa chính trị giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; lạm phát ở mức cao; chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài… Trong nước, tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra trong bối cảnh cầu thế giới giảm và những khó khăn nội tại của nền kinh tế: các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp; hậu quả của đại dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài, sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn, lạm phát đối diện với nhiều yếu tố tiềm ẩn rủi ro... Những diễn biến này đã khiến cho tăng trưởng kinh tế thế giới và trong nước phục hồi chậm và còn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của các doanh nghiệp. 

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 113,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tức bình quân một tháng có 19 nghìn doanh nghiệp gia nhập thị trường, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước. 

Mặt khác, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 6 tháng qua là 100 nghìn doanh nghiệp, tức bình quân một tháng có 16,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn vào các con số trên có thể thấy, mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động nhiều hơn không đáng kể so với số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường, nhưng xu hướng phát triển của doanh nghiệp (tính theo số lượng) đang đảo chiều so với cùng kỳ năm ngoái là khá lớn.

Theo khảo sát cuối tháng 6 của Tổng cục Thống kê thì chỉ có khoảng từ 18,5-28,9% doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, sản xuất, chế biến chế tạo đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh Quý II tốt hơn quý I; 36,2-43,2% đánh giá tình hình ổn định, và 27,4-36,2% đánh giá tình hình sụt giảm. Điều này cũng thể hiện rõ sự khó khăn đang bủa vây các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa do tiêu thụ trong nước và đơn hàng xuất khẩu đều giảm mạnh.

Ngoài vấn đề về tiêu thụ nội địa và đơn hàng xuất khẩu thì có tới 25% hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, hiện nay họ đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng do tiêu chí cho vay còn khắt khe.

Nhận thấy thực trạng đó, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp là vấn đề đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp các ngành, các địa phương, các Hiệp hội ngành nghề đặc biệt quan tâm nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế. Thời gian qua, NHNN đã nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị của các Hiệp hội ngành nghề, các ý kiến của các chuyên gia và nhiều chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân, góp phần cùng các cấp, các ngành, các địa phương, các Hiệp hội ngành nghề giải quyết bài toán Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp".

Trong 6 tháng đầu năm, cả ngành Ngân hàng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân. 

Có thể kể đến một loạt các giải pháp NHNN và ngành Ngân hàng đã triển khai nhằm kiểm soát lạm phát ở mức thấp, giảm mặt bằng lãi suất và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Chưa bao giờ NHNN điều hành chính sách tiền tệ khó như hiện nay

Thực trạng hiện nay, tín dụng 6 tháng đầu năm vẫn tăng chậm so với cùng kỳ các năm trước. Đến ngày 30.6.2023, tín dụng đối với nền kinh tế mới chỉ tăng 4,73% so với cuối năm 2022.

Bàn về sức cầu nền kinh tế yếu, ông Ketut Ariadi Kusuma, Chuyên gia tài chính cao cấp về Ngân hàng/Tài chính của WB, Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo của WB tại Việt Nam cho biết: Hiện tại sức cầu đang suy yếu, ảnh hưởng tới thu nhập và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp. Vấn đề ở đây không phải là doanh nghiệp không có năng lực mà họ không muốn vay vốn. Tôi thấy số liệu thống kê của doanh nghiệp niêm yết cho thấy tỷ lệ nợ trên vốn đang là 60%. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp có nhiều dư địa để vay vốn nhưng họ không có nhu cầu vay. Tình trạng sức cầu yếu cần được xử lý thông qua chính sách kích thích tổng cầu, đẩy mạnh đầu tư công.

Chưa bao giờ Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ khó như hiện nay. Bởi lẽ, điều hành chính sách tiền tệ trong nền kinh tế mở cửa không thể tránh những tác động từ chính sách tài chính, tiền tệ nói chung và từ các quốc gia khác. Đặc biệt, nền kinh tế Việt Nam cũng rất khó khăn sau 2 năm đại dịch; sức chống chịu của doanh nghiệp đã bị bào mòn. Đối với NHNN, rất nhiều năm qua mới điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh đó. Tăng lãi suất hay giảm lãi suất; cung tiền ra nhiều hay ít; làm thế nào để tăng tín dụng, hài hòa giữa chất lượng và số lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia… đều là những vấn đề NHNN phải lưu ý và điều hành.

Sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng sẽ quyết định sự an toàn, lành mạnh của nền tài chính quốc gia trong cả ngắn hạn, trung và dài hạn. Đây là nhiệm vụ rất khó của NHNN. Nếu như mở điều kiện thì tín dụng có thể tăng ồ ạt sẽ để lại sự mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng ngay trong ngắn hạn; câu chuyện nợ xấu và sự suy giảm sẽ ngay lập tức bị ảnh hưởng; chưa kể đến lãi suất và cung tiền, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát...

Doanh nghiệp và ngân hàng nên ngồi lại để tìm hướng đi chung

TS. Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam
TS. Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Nói về thực trạng doanh nghiệp không vay được vốn tín dụng, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng: “Hiện số lượng các doanh nghiệp không vay được vốn tín dụng vẫn còn tương đối nhiều. Chúng tôi đánh giá ngoài những các tác động khách quan từ thị trường thì các chính sách của Nhà nước vẫn chưa phát huy được tính đồng bộ, trong khi đó bản thân các doanh nghiệp cũng chưa chứng minh được năng lực hoàn vốn cũng như năng lực quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính… Do vậy, để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp thì chính sách giảm lãi suất chỉ là một trong các giải pháp cần được tiếp tục triển khai.

Tổng Thư kí Hiệp hội Ngân hàng – ông Nguyễn Quốc Hùng đánh giá: “Việc giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp cũng không phải là vấn đề cốt lõi giúp cho các doanh nghiệp phục hồi. Giảm lãi suất nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng đủ điều kiện vay ngân hàng như tài sản đảm bảo không đủ, kinh doanh thua lỗ, cơ cấu nợ, điều chỉnh trả nợ để được vay tiếp hoặc không quản lý được dòng tiền. Ngân hàng không có đủ cơ sở đảm bảo để cho vay tiếp”.

Do vậy, đứng ở cả góc độ của ngân hàng và doanh nghiệp, có thể nói vấn đề cho vay hiện nay không thể bằng ý chí của một bên mà hai bên cùng phải lắng nghe, đứng ở vị trí của nhau và cùng nghiên cứu, giải quyết các khó khăn, vướng mắc để tìm ra hướng đi chung.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, ông Đào Minh Tú cho rằng, hơn bao giờ hết, bối cảnh kinh tế khó khăn như thế này, ngân hàng và doanh nghiệp nên ngồi lại với nhau. Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, cũng đang tồn kho. Ngân hàng cũng gặp khó khăn khi vay vào mà không cho vay ra được. Do đó, quan điểm chia sẻ giữa hai bên là ngân hàng thương mại cần đặt mình vào doanh nghiệp để thấy doanh nghiệp khó khăn ra sao và ngược lại. Thẩm quyền cho vay là của ngân hàng thương mại. Hình thức tín chấp hay thế chấp, quản lý dòng tiền… hoàn toàn do ngân hàng thương mại quyết định. Nếu thấy doanh nghiệp làm ăn công khai, minh bạch thì mạnh dạn có quyết định cho vay.

Còn đối với phía doanh nghiệp, ông Tú cũng lưu ý nên xem xét lại thay vì vay mấy ngân hàng. Khi có tiền vay được của ngân hàng này lại đem trả cho ngân hàng khác là không nên. Thiếu vốn phải vay thì đúng rồi nhưng báo cáo dòng tiền phải rõ ràng, minh bạch.

Bảo Bảo