Tháo gỡ khó khăn cho kinh doanh kịp thời, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp

22:06 03/07/2023

Trong tình cảnh kinh doanh đầy khó khăn, khắc nghiệt, Chính phủ đã khẩn trương ban hành đầy đủ các chính sách, giải pháp, nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn và thúc đấy phát triển cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp nước ta đang trong tình cảnh kinh doanh đầy khắc nghiệt. Hiện nay, doanh nghiệp đang đương đầu với hàng loạt khó khăn, đầu tiên phải kể đến đơn hàng sụt giảm do tổng cầu thế giới và trong nước suy yếu. Xu hướng ngày càng gia tăng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam, khiến doanh nghiệp bị động và gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường xuất khẩu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp đang cạn kiệt và khó tiếp cận nguồn vốn. Sau hai năm sản xuất cầm chừng, sức mua tiêu dùng sụt giảm làm cho nguồn vốn của doanh nghiệp cạn kiệt, vốn vay ngân hàng đến kỳ phải trả và trái phiếu doanh nghiệp đến kỳ đáo hạn. Hệ luỵ của đại dịch Covid-19 còn dai dẳng, đại dịch là nguồn gốc sâu xa gây nên cơn bão lạm phát và kinh tế toàn cầu suy giảm sâu, đặc biệt đối với các nền kinh tế hàng đầu thế giới. 

Chính phủ luôn đồng hành, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị hàng đầu và hành động khẩn trương, linh hoạt có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời.

6 tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã thực thi chính sách tiền tệ và tài khoá linh hoạt, phù hợp với diễn biến và thực tế tình hình kinh tế trong nước, khu vực và thế giới. Những văn bản pháp quy mà Chính phủ đã ban hành cho thấy, Chính phủ rất khẩn trương, linh hoạt trong thực thi chính sách tiền tệ hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, người dân, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kích cầu kinh tế.

Các doanh nghiệp kiến nghị bảo đảm ổn định năng lượng, cung cấp đủ điện cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất liên tục, không bị gián đoạn. Kích cầu thị trường trong nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm hiệu quả. Còn các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính mong muốn được giảm lãi suất vay vốn và được hỗ trợ quá trình hoàn thiện hồ sơ vay vốn nhanh hơn để doanh nghiệp có nguồn vốn sản xuất kinh doanh kịp thời và hiệu quả hơn.

Ngọc Phi (TH)