Thanh thiếu niên Mỹ đang chuộng iPhone hơn so với Android

21:07 23/08/2023

Tại một số trường trung học tại Mỹ, việc xài Android thường bị chế giễu là lạc hậu khi không thể tham gia những nhóm chat iMessage hoặc sử dụng AirDrop để chuyển hình ảnh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Abdoul Chamberlain, một thanh niên Mỹ 20 tuổi làm sáng tạo nội dung hồi tháng 4 đăng video lên internet kèm câu hỏi "Năm 2023 rồi mà bạn vẫn đang dùng 'Droid' á? Bạn chắc ít nhất phải 50 tuổi rồi ấy nhỉ". Thương hiệu "Droid" từng được hãng điện thoại Motorola sử dụng cho các mẫu smartphone chạy Android đầu tiên của mình, trong đó model đầu tiên ra mắt năm 2009 mang tên Motorola Droid được xem như đối thủ thực sự của iPhone tại thị trường Mỹ.

Chamberlain cho rằng, điện thoại Android là những thiết bị chỉ dành cho các bậc phụ huynh và dù có thế nào đi nữa, anh cũng không từ bỏ iOS. Nhà sáng tạo nội dung trẻ tuổi này chỉ là một ví dụ trong số nhiều người trẻ tại Mỹ hiện nay có suy nghĩ như vậy.

Sự chênh lệch lượng người dùng giữa hai hệ điều hành đã tạo ra nhiều bất đồng quan điểm trong giới trẻ. Ở trường học, những học sinh dùng điện thoại Android bị các học sinh khác chế nhạo là "người thời trung cổ" hoặc "bị phá sản".

Tại một số trường trung học tại Mỹ việc xài Android thường bị chế giễu là lạc hậu khi không thể tham gia những nhóm chat iMessage hoặc sử dụng AirDrop để chuyển hình ảnh. Khi nhắc đến Android, chúng sẽ liên tưởng đến công nghệ lỗi thời chỉ dành cho người lớn tuổi, bất kể các dòng điện thoại Android mới có hiện đại ra sao.

Tại Mỹ, iOS hiện dẫn đầu thị phần điện thoại di động với tỷ suất lợi nhuận 57% so với mức 42% của Android, theo Statcount. Ngoài ra, một khảo sát trên 7.100 thanh thiếu niên Mỹ do Công ty Piper Sandler thực hiện vào năm ngoái cho thấy, 87% thanh thiếu niên sở hữu một chiếc iPhone và dự định mua một chiếc iPhone khác nếu đổi điện thoại.

Ngoài ra, một nghiên cứu khác của Piper Sandle dựa trên 7.100 người trẻ vào năm 2022 chỉ ra rằng, có tới 87% người trẻ sử dụng iPhone và những người này cũng sẽ tiếp tục mua iPhone làm chiếc điện thoại tiếp theo. Những nghiên cứu này chỉ nằm gói gọn trong thị trường Mỹ và thực tế thì trên toàn cầu người sử Android vẫn chiếm đa số với tỉ lệ 71% so với 28% của iOS.

Bà Deb Harrison sống tại New York cho biết, hai đứa con của bà có quan điểm khác nhau khi lựa chọn smartphone. Con gái 15 tuổi tên Kira dùng iPhone 11 vì không muốn trở nên "kỳ quặc" trong mắt bạn bè, trong khi con trai 16 tuổi tên Justice chọn chiếc Motorola One 5G chạy Android vì muốn nhận được sự chú ý khi đi ngược với đám đông. "Bạn bè chế nhạo Justice vì không dùng iPhone, nhưng thằng bé không quan tâm", bà Harrison cho biết.

Sự phân biệt giữa hai hệ điều hành trở nên rõ ràng hơn khi Apple sở hữu những tính năng độc quyền cho iPhone như AirDrop. Và khi người dùng Android nhắn tin với người dùng iPhone, tất cả các tính năng trên iMessage như gửi ảnh chất lượng cao hơn, thông báo đã đọc, đang nhập, mã hóa đầu cuối... đều không khả dụng. Tin nhắn hiển thị màu xanh lá được gửi từ thiết bị Android cũng là vấn đề khiến cộng đồng hai hệ điều hành ngày càng xa cách.

Theo nghiên cứu của Counterpoint, xu hướng mua iPhone trong giới trẻ vẫn tăng dù giá trung bình cho một chiếc iPhone đang dần cán mốc 1.000 USD, gấp gần 3 lần so với giá trung bình một thiết bị Android. Lý giải cho xu hướng trên, các chuyên gia chỉ ra nhiều yếu tố khiến giới trẻ ưa chuộng iPhone, trong đó nổi bật là tính thời thượng, giá trị sản phẩm cũng như giá trị thương hiệu của Apple. 

Minh Anh (t/h)