Thanh Hóa: Tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu thi công cao tốc Bắc Nam

13:34 28/09/2021

Mới đây, đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Lê Đình Thọ dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa và các Ban QLDA, Nhà thầu thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa phận tỉnh Thanh Hóa. Nhằm tháo gơ những khó khăn cho nhà thầu trpng quá trình thực hiện dự án.

Dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Mai Sơn - QL45 và đoạn QL45 - Nghi Sơn thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 và 2020  do Ban QLDA Thăng Long, Ban QLDA 2 và Ban QLDA 6 thực hiện điều hành. Đến nay công tác GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật, tái định cư (TĐC) trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa đã cơ bản hoàn thành. Dự án đang triển khai 66 mũi thi công tại 5 gói thầu, tổng sản lượng thi công đạt gần 2.000 tỉ đồng (tương đương với hơn 27% giá trị xây lắp). Năm 2021, dự án được giao 2.931 tỉ đồng kế hoạch vốn, đến nay đã giải ngân được gần 2.300 tỉ đồng (đạt 77,8% kế hoạch vốn), đáp ứng đúng kế hoạch giải ngân dự án. 

Các nhà thầu đang thi công cao tốc Bắc Nam đoạn qua thị xã Nghi Sơn
Các nhà thầu đang thi công cao tốc Bắc Nam đoạn qua thị xã Nghi Sơn. (Ảnh: NL)

Đối với vấn đề nguồn vật liệu phục vụ dự án, về cơ bản đã dáp ứng được, trữ lượng cơ bản, tuy nhiên vướng mắc hiện nay đó là công suất khai thác của các mỏ đất, cát hàng năm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang còn rất thấp. hiện nay các bãi chứa vật liệu thải cũng không đáp ứng được yêu cầu đổ thải, vì thế ảnh hưởng đến tiến đọ thi công dự án.

Trước thực trạng đó, trong buổi làm việc Trong buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ GTVT, ông Mai Xuân Liêm - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định, tỉnh Thanh Hoá đã và đang tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà thầu triển khai thực hiện các công trình, nhất là các công trình giao thông trọng điểm. 

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ trong buổi làm việc tại Thanh Hóa
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ trong buổi làm việc tại Thanh Hóa. (Ảnh: BTH)

Đối với vấn đề vật liệu thi công cho các dự án, ông Liêm cho biết: HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 406/NQ-HĐND bổ sung 23 mỏ san lấp đất với tổng diện tích 193,9ha, trữ lượng khoảng 19,63 triệu m3 bảo đảm trữ lượng đất lấp phục vụ thi công. Đồng thời, UBND tỉnh đang xem xét ưu tiên bổ sung thêm một số mỏ mới để cung cấp nguồn vật liệu cho các dự án theo Nghị quyết 60 của Chính phủ.

Về mặt bằng đổ thải xây dựng không thích hợp, đồng chí lưu ý có thể để các chủ đầu tư, đơn vị thi công cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm, liên kết với một số công trình, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng… nhằm xử lý nguồn vật liệu thải đất, đá từ các công trình đang triển khai. 

Những thiết bị cần thiết được đưa vào công trường phục vụ cho công tác thi công
Những thiết bị cần thiết được đưa vào công trường phục vụ cho công tác thi công. (Ảnh: DV)

Qua báo cáo của tỉnh Thanh Hóa, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá cao sự nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh Thanh Hóa và sự vào cuộc quyết liệt, nghiêm túc của các sở, ban, ngành và đơn vị triển khai thi công các dự án. Đồng thời, Thứ trưởng Thọ cũng đề nghị tỉnh Thanh Hoá tranh thủ tiềm năng, thế mạnh về nguồn tài nguyên đất, đá, cát… để điều tiết nguồn vật liệu thi công cho các công trình, tăng công suất các mỏ đã được cấp phép.

Trong công tác bố trí, lựa chọn các điểm tập kết, đổ chất thải xây dựng, các sở, ngành, đơn vị liên quan cần chú trọng đến công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thi công. Khuyến khích các chủ đầu tư, đơn vị thi công tìm kiếm đối tác, liên kết để điều tiết, tái tạo nguồn chất thải xây dựng thành vật liệu phục vụ thi công. Trong quá trình thực hiện thi công, các chủ đầu tư cần xem vấn đề hoàn trả các tuyến đường dân sinh nơi công trình đi qua là nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo đảm dân sinh, thuận lợi cho sinh hoạt của nhân dân.

Ngọc Lâm