Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Thanh Hóa, vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng với đoàn công tác Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2021 và 7 tháng năm 2022; kết quả thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2021 và 7 tháng năm 2022 của tỉnh Thanh Hóa cho thấy, đến thời điểm này, dịch COVID-19 được kiểm soát hiệu quả. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,85%, đứng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có mức tăng cao của cả nước; thu ngân sách nhà nước đạt cao nhất từ trước đến nay, đạt 40.781 tỷ đồng, vượt 53% dự toán, tăng 29% so với năm 2020. Huy động vốn đầu tư phát triển đạt 137.630 tỷ đồng, bằng 98,3% kế hoạch, tăng 2,5% so với cùng kỳ, nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng cao so với cùng kỳ...
7 tháng năm 2022, các hoạt động kinh tế tiếp tục duy trì ổn định và phát triển, trong đó có một số lĩnh vực phát triển mạnh. Tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2022 đạt 13,41% đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố; thu ngân sách nhà nước đạt 31.183 tỷ đồng, vượt 11% dự toán năm 2022, tăng 61% so với cùng kỳ. Đã thu hút được 50 dự án đầu tư trực tiếp (có 4 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký 10.733 tỷ đồng và 41 triệu USD…
Các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế được tổ chức linh hoạt, thích ứng an toàn với tình hình dịch bệnh, chất lượng, hiệu quả được nâng lên; an sinh xã hội được chăm lo, đời sống Nhân dân ổn định; quốc phòng - an ninh được bảo đảm. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả tích cực.
Công tác cải cách tư pháp đạt kết quả tích cực; trong đó tham gia hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, pháp luật dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp; việc hoàn thiện tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp; việc hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp; việc bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động tư pháp…
Báo cáo với Chủ tịch nước về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn nêu rõ: Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; trên cơ sở đánh giá đầy đủ các cơ hội, điều kiện thuận lợi và khó khăn, thách thức, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa quyết tâm thực hiện thắng lợi toàn diện các chỉ tiêu, mục tiêu của năm 2022, trong đó phấn đấu hoàn thành vượt mức một số chỉ tiêu chủ yếu như sau: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng cuối năm đạt 11% trở lên, cả năm 2022 đạt 12,2% trở lên, vượt kế hoạch (kế hoạch là 11,5%); thu ngân sách phấn đấu đạt 8.817 tỷ đồng trở lên, cả năm đạt 40.000 tỷ đồng trở lên, vượt dự toán (dự toán là 28.143 tỷ đồng trở lên); thành lập mới 1.315 doanh nghiệp, cả năm thành lập mới 3.500 doanh nghiệp, vượt kế hoạch (kế hoạch là 3.000 doanh nghiệp).
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngoài công tác anh chỉ đạo quyết liệt, tập trung ở các nhóm nhiệm vụ cơ bản, Thanh Hóa cũng đặc biệt quan tâm đến công tác đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.
Trên cơ sở đó, tỉnh Thanh Hóa đã đề xuất, kiến nghị với Chủ tịch nước và các bộ, ngành ở Trung ương quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ, giới thiệu, vận động các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào Thanh Hóa theo định hướng Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII đề ra, trong đó có kiến nghị đề xuất về quy hoạch Cảng hàng không Thọ Xuân thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể, tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị Chủ tịch nước có ý kiến với Chính phủ đồng ý chủ trương để tỉnh vận động, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2, hệ thống đường lăn và Nhà ga hành khách T2 theo phương thức PPP và giao UBND tỉnh Thanh Hóa là cơ quan có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án.
Về biện pháp khắc phục điểm nghẽn giao thông, đại diện lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đề nghị Chủ tịch nước có ý kiến với Chính phủ cho chủ trương đầu tư đường giao thông nối đường Hồ Chí Minh tại xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc với Quốc lộ 6 tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình chiều dài khoảng 89 km, đạt tiêu chuẩn đường cấp III miền núi; tổng mức đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng.
Ghi nhận những thành tựu và nỗ lực của tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Kết quả mà tỉnh Thanh Hóa đạt được trong thời gian qua. Chủ tịch nước khẳng định: Đó là sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Nhờ có quyết tâm chính trị cao, tinh thần dám nghĩ, dám làm, một tinh thần đoàn kết, thống nhất biến ý chí thành hành động tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ đã đề ra. Đồng thời Chủ tịch nước cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, thách thức trong phát triển của tỉnh Thanh Hóa và đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao độ, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân, các thành phần kinh tế để tập trung hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, biến những áp lực, thách thức thành động lực cho sự phát triển.
Hướng tới dịp kỷ niệm 1000 năm danh xưng Thanh Hóa, Chủ tịch nước đề nghị Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đề cao và hiện thực hóa khát vọng phát triển, bứt phá toàn diện từ việc tăng quy mô nền kinh tế, tạo tiến bộ vượt bậc về an ninh xã hội, về văn hóa và môi trường nhằm chăm lo tốt đời sống, vật chất tinh thần cho Nhân dân để Thanh Hóa thực hiện ước vọng của mình. trong đó, cần sớm hoàn thiện và phê duyệt quy hoạch phát triển tỉnh trên cơ sở tích hợp phát triển kinh tế gắn với phát triển xã hội, đô thị hóa gắn với phát triển nông thôn; chuyển dịch sản xuất gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động có tầm nhìn dài hạn, có bước đi phù hợp. Quy hoạch phải tôn trọng quy hoạch kinh tế - xã hội khách quan, nắm bắt các xu hướng và thành tựu mới, tạo thuận lợi cho việc phát triển nhanh, cân đối và hài hòa trên cơ sở bố trí lại dân cư, sản xuất, ngành nghề một cách hợp lý, bền vững.
Tỉnh Thanh Hóa cần nỗ lực tối đa để cải thiện thứ hạng và nâng cấp môi trường kinh doanh của địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng phát triển công nghiệp theo chiều sâu, đưa Thanh Hóa trở thành một trọng những trung tâm lớn của Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến, chế tạo. Cùng với đó tập trung nguồn lực, kêu gọi các nhà đầu tư vào phát triển công nghiệp; phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp, nhất là loại hình doanh nghiệp tư nhân, các tập đoàn lớn.
Về công tác giáo dục, Thanh Hóa cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, đặc biệt là nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đối với các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch nước cũng đã cho ý kiến cụ thể và giao cho các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu giải quyết, Cùng với đó đã gợi mở về tư duy tầm nhìn, ý tưởng, chủ trương, giải pháp để Thanh Hóa có những bước phát triển mới trong tương lai để Thanh Hóa hiện thực hóa khát vọng trở thành cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.
Ngọc Lâm