Theo quyết định mới,các doanh nghiệp đầu tư xây dựng chợ vẫn được hưởng chính sách ưu đãi như quyết định cũ. Tuy nhiên, do xây dựng 18 chợ vào thời điểm năm 2016 (thời điểm giữa quyết định cũ và quyết định mới ban hành) các chủ đầu tư này đã bị “mắc kẹt”, hiện vẫn chưa được hỗ trợ theo chính sách.
Theo Quyết định số 4670 ngày 27/12/2010 của UBND tỉnh Thanh Hóa, các nhà đầu tư xây dựng chợ được hỗ trợ rất lớn. Cụ thể: Nhà đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp chợ ở khu vực nông thôn, trong trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì được ngân sách tỉnh hỗ trợ với mức tương ứng bằng số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp cho cả thời gian thực hiện dự án… Đối với nhà đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp chợ ở khu vực đô thị, xây dựng mới siêu thị, trung tâm thương mại (cả ở đô thị và nông thôn) được giao đất hoặc thuê đất với mức giá thấp nhất theo giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, do cấp có thẩm quyền quy định tại vị trí loại đường nơi thực hiện dự án. Về hỗ trợ đầu tư, vốn đầu tư từ 15 tỷ đồng trở lên được hỗ trợ 500 triệu đồng; đầu tư từ 7 tỷ đồng đến dưới 15 tỷ đồng được hỗ trợ 350 triệu đồng; đầu tư từ 7 tỷ đồng trở lên được hỗ trợ 350 triệu đồng; đầu tư từ 3 tỷ đồng đến dưới 7 tỷ đồng được hỗ trợ 200 triệu đồng; đầu tư từ 3 tỷ đồng trở lên được hỗ trợ 200 triệu đồng; đầu tư từ 2 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng được hỗ trợ 100 triệu đồng.
Chợ Thọ Nguyên- Thọ Xuân không thu hút được các tiểu thương
Khi Quyết định số 4670 hết hiệu lực, ngày 21/3/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 832 trên cơ sở Nghị quyết 29/HĐND tỉnh Thanh Hóa ngày 18/12/2016 nhằm thay thế Quyết định 4670. Tuy nhiên, các chủ đầu tư xây dựng 18 chợ trong năm 2016 (thời điểm giữa quyết định cũ và quyết định mới ban hành) đã bị “mắc kẹt”, chưa được hỗ trợ kinh phí theo chính sách.
Được biết, trong 18 chợ có 2 chợ có quyết định công nhận, quyết định thuê đất và đã xây dựng trong năm 2016; 13 chợ có quyết định công nhận nhưng chưa thực hiện đầu tư trong năm 2016, còn lại 3 chợ có quyết định công nhận năm 2015, quyết định thuê đất năm 2016 và quyết định công nhận chợ trước năm 2016 nhưng quyết định thuê đất sau năm 2016.
Có mặt tại chợ Thọ Nguyên, xã Thọ Nguyên, huyện Thọ Xuân (thuộc chợ hạng 3) được đầu tư xây mới với kinh phí 2,8 tỷ đồng, đi vào hoạt động từ năm 2016 nhưng hiện chỉ lèo tèo vài gian hàng. Các tiểu thương hầu hết đều tập chung kinh doanh buôn bán ngoài chợ, tạo thành các chợ cóc, gây mất mỹ quan, ảnh hưởng tới giao thông và gây khó khăn trong khâu quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Đại diện Công ty Cổ phần Bảo Chi- chủ đầu tư xây dựng chợ Thọ Nguyên cho biết: Đây là chợ không có lợi thế về thương mại nên không thu hút được tiểu thương. Chúng tôi đầu tư xây dựng chợ theo chủ trương của UBND tỉnh nhưng hiện chưa được hưởng chính sách hỗ trợ. Trong khi nguồn thu không có, cơ quan thuế thì hối thúc, khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Các kiôt trong chợ Thọ Nguyên bị bỏ trống rất nhiều
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Bá Thương- Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển chợ tỉnh Thanh Hóa cho biết, các doanh nghiệp và Hiệp hội đã nhiều lần làm đơn kiến nghị gửi UBND tỉnh về việc hỗ trợ kinh phí đối với các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng 18 chợ trong năm 2016. Tháng 10/2018, bà Lê Thị Thìn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có ý kiến giao các ngành chủ động tham mưu cho tỉnh làm căn cứ giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.Trong khi đó, các nhà đầu tư xây dựng chợ đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực từ các cơ quan thuế, các tiểu thương kinh doanh trong chợ cũng phải chịu mức thuê quầy cao nên nhiều người bỏ chợ.
Thiết nghĩ, để tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh chợ tại Thanh Hóa, trên cơ sở các quy định của pháp luật, UBND tỉnh Thanh Hóa cùng với các cấp, ngành cần xem xét chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp đã đầu tư, xây dựng 18 chợ trong năm 2016.
Phương Giang