Tạo đột phá để phát triển nhanh, bền vững Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

21:12 17/03/2023

Chiều 17/3, tại diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam năm 2023 do Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Nam và UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức, với chủ đề “Huy động các nguồn lực phát triển nhanh, bền vững Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam nêu rõ, phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới; kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh; trở thành định hướng chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia. Việt Nam đang tích cực triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, phát biểu tại diễn đàn
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, phát biểu tại diễn đàn.

Theo Phó Thủ tướng, khu vực miền Trung và Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng. Vì vậy, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Các địa phương và doanh nghiệp khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã thể hiện quyết tâm rất cao, chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và chuyển đổi số.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao và biểu dương các địa phương, doanh nghiệp trong khu vực đã xây dựng, ban hành và thực hiện các chiến lược, kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, tích cực tìm kiếm các mô hình phát triển theo hướng thân thiện với môi trường, đề cao đổi mới sáng tạo.

Theo Phó Thủ tướng, khu vực miền Trung và Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng. Vì vậy, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên
Theo Phó Thủ tướng, khu vực miền Trung và Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng. Vì vậy, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Để có thể đạt được những kết quả có tính đột phá, bứt phá thì còn rất nhiều việc phải làm. Cần quyết tâm, nỗ lực lớn hơn nữa và triển khai các biện pháp một cách quyết liệt hơn nữa, đặc biệt là trong đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước, tổ chức triển khai thực hiện.

TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, đề xuất, cần xét đến yếu tố cho phép địa phương phát hành trái phiếu; đặt vị trí của trái phiếu chính quyền địa phương trong tổng thể thị trường trái phiếu và thị trường tài chính; đa dạng các phương thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.

Cũng theo ông Kiên, khi quá trình phân cấp (quản lý nhà nước về kinh tế nói chung và ngân sách nói riêng) cho chính quyền địa phương diễn ra nhanh chóng và thực chất, các địa phương phải chủ động và tự lực nhiều hơn. Tuy nhiên, các địa phương thường gặp phải thách thức là họ phải tạo ra một quá trình chuyển đổi với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước, nhưng chỉ có giới hạn các nguồn lực tài chính chuyển giao từ phía trung ương.

“Trong quá trình này, chính quyền địa phương cần phải huy động được nguồn vốn ngoài nguồn ngân sách với quy mô đủ lớn, kỳ hạn đủ dài và chi phí phù hợp, từ đó tận dụng được lợi thế từ đòn bẩy tài chính cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.

Các đại biểu tham gia tại diễn đàn
Các đại biểu tham gia tại diễn đàn.

 ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho hay, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có vai trò, vị trí rất quan trọng, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát triển. Bên cạnh đó, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, người dân đã có nhiều nỗ lực "thoát khó, thoát nghèo" vươn lên nhưng kinh tế nơi đây vẫn còn nhiều hạn chế, tốc độ phát triển còn chậm, quy mô kinh tế còn nhỏ, tính bền vững chưa cao...

Cộng đồng kinh doanh tại Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung còn gặp nhiều khó khăn bởi những yếu tố như quy mô, sức mua thị trường còn thấp, quy mô doanh nghiệp có xu hướng nhỏ hóa khi số vốn, số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới hằng năm ngày càng giảm; dịch vụ hỗ trợ kinh doanh tại khu vực chưa theo kịp nhu cầu phát triển cho dù khu vực này có nhiều cảng biển, cảng hàng không và là trung điểm giao thông đường bộ của cả nước nhưng chi phí logistics còn cao. Cùng với đó, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh chưa phát triển, nguồn nhân lực cao cấp còn thiếu...

Tại phiên chia sẻ, các diễn giả, chuyên gia, trao đổi, thảo luận về các cơ chế, chính sách, đề xuất các giải pháp nhằm phát huy động nguồn lực phát triển vùng; Hoàn thiện thể chế để vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cất cánh
Tại phiên chia sẻ, các diễn giả, chuyên gia, trao đổi, thảo luận về các cơ chế, chính sách, đề xuất các giải pháp nhằm huy động nguồn lực phát triển vùng; Hoàn thiện thể chế để vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cất cánh.

Vùng kinh tế trọng điểm miền trung (gồm Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) là một trong 4 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Thời gian qua, các địa phương đã có những nỗ lực mạnh mẽ, chủ động khai thác lợi thế, phát huy triệt để nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, quá trình phát triển thời gian qua cũng cho thấy, vai trò động lực, chức năng đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm miền trung vẫn còn nhiều hạn chế. Quy mô nền kinh tế vùng còn nhỏ và chiếm tỷ trọng khá thấp trong nền kinh tế cả nước. Đóng góp của vùng vào quy mô chung của cả nước vẫn còn thấp, tăng trưởng của các địa phương trong vùng chưa đồng đều. Hoạt động liên kết còn nhiều hạn chế, kết nối về đầu tư còn thiếu đồng bộ, chưa tận dụng được lợi thế riêng của từng địa phương…

Diễn đàn được tổ chức lần này được xem là dịp tuyên truyền các chủ trương, định hướng lớn của Trung ương. Đồng thời trao đổi, tiếp nhận ý kiến của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia và nhà khoa học tham gia đóng góp vào xây dựng, hoàn thiện cơ chế, đặc biệt là huy động các nguồn lực để phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền trung nhanh, năng động và bền vững.

Tại phiên chia sẻ, các diễn giả, chuyên gia, nhận định về bức tranh kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; Những vấn đề đặt ra cho việc thu hút nguồn lực đầu tư, tạo động lực tăng trưởng cho vùng; Các giải pháp huy động nguồn lực phát triển vùng; Hoàn thiện thể chế để Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cất cánh.

Các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận về các cơ chế, chính sách, đề xuất các giải pháp để vùng kinh tế trọng điểm miền trung phát triển nhanh, bền vững; các kiến nghị từ doanh nghiệp để hoàn thiện tốt hơn môi trường đầu tư - kinh doanh cũng như góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.

Trọng Tâm