Tăng trưởng kinh tế quý 1 của Thái Lan có thể chững lại do xuất khẩu và nhu cầu nội địa

09:59 16/05/2024

“Thái Lan cần bắt kịp những nước như Việt Nam, quốc gia trong những năm gần đây đã tích cực theo đuổi và thành công trong việc đạt được các hiệp định thương mại tự do quan trọng với những nền kinh tế khổng lồ trên toàn cầu”.

Thái Lan có kế hoạch bơm 15,2 tỷ USD vào nền kinh tế trong năm nay thông qua chính sách
Thái Lan có kế hoạch bơm 15,2 tỷ USD vào nền kinh tế trong năm nay thông qua chính sách "ví kỹ thuật số". (Ảnh: Reuters)

Dữ liệu GDP quý 1 của Thái Lan sẽ được công bố vào ngày thứ Hai, 20 tháng 5.

Một cuộc thăm dò ý kiến các nhà kinh tế của Reuters cho thấy, tăng trưởng của nền kinh tế Thái Lan có thể sẽ chậm lại trong quý 1 bất chấp lượng khách du lịch ổn định, tuy nhiên bị cản trở bởi xuất khẩu và nhu cầu trong nước yếu.

Nợ hộ gia đình và chi phí đi vay cao đã ảnh hưởng đến tiêu dùng cá nhân, và xuất khẩu giảm trong tháng 3 lần đầu tiên kể từ tháng 7 năm 2023 đã kéo tăng trưởng giảm theo trong bối cảnh đối tác thương mại quan trọng là Trung Quốc cũng chậm lại. Mặc dù đã đón khoảng 12 triệu lượt khách du lịch trong quý, đưa nước này đi đúng hướng vượt mục tiêu 40 triệu lượt khách vào năm 2024, nhưng con số đó vẫn không đủ để bù đắp cho sự sụt giảm trong các lĩnh vực khác, ví dụ như sản xuất.

Tuy nhiên, Chính phủ có kế hoạch thực hiện chính sách kích thích “ví kỹ thuật số” trong năm nay bằng việc phát tiền mặt cho những người trưởng thành đủ điều kiện, điều này dự kiến sẽ thúc đẩy nền kinh tế nước này.

Một cuộc thăm dò diễn ra từ ngày 10 đến 15 tháng 5 với sự tham gia của 19 nhà kinh tế đã cho thấy, nền kinh tế Thái Lan có thể tăng trưởng 0,8% trong quý 1 so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức 1.7% của quý trước. Mặc dù có khả năng tránh được suy thoái kỹ thuật trong quý 1, nhưng tăng trưởng GDP theo quý vẫn được dự đoán sẽ ở mức 0,6%, tăng từ -0,6% trong quý 4. Dự báo dao động từ -0,3% đến 1,3%.

Ông Miguel Chanco, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á mới nổi tại Pantheon cho biết: “Những gì chúng ta đang thấy bây giờ là sự cạn kiệt của việc giải phóng nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén sau đại dịch, vốn sẽ luôn diễn ra và theo một cách khá bi đát, do mức nợ hộ gia đình có cấu trúc cao ở Thái Lan”.

Ông nói: “Thái Lan cần bắt kịp những nước như Việt Nam, quốc gia trong những năm gần đây đã tích cực theo đuổi và thành công trong việc đạt được các hiệp định thương mại tự do quan trọng với những nền kinh tế khổng lồ toàn cầu”.

Tháng trước, Thủ tướng Srettha Thavisin đã kêu gọi Ngân hàng Trung ương Thái Lan cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế nhưng các quan chức ngân hàng phản đối và nói rằng lãi suất hiện tại không cản trở sự tăng trưởng.

Ông Poon Panichpibool của Ngân hàng Krung Thai cho biết: “Chính phủ cần phải ngừng can thiệp (vào Ngân hàng Trung ương Thái Lan) và hợp tác chặt chẽ để giải quyết các vấn đề về cơ cấu kéo dài. Họ nên thay đổi ví kỹ thuật số thành một biện pháp tập trung hơn để giúp đỡ những người có nhu cầu. Rủi ro đối với tăng trưởng có thể phát sinh từ việc chậm trễ trong giải ngân ngân sách tài chính cũng như các yếu tố bên ngoài như suy thoái kinh tế toàn cầu hay nền kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm hơn dự kiến”.

Chính phủ Thái Lan dự kiến mức tăng trưởng 2,4% trong năm nay nhưng cho biết, con số này có thể đạt 3,3% nếu kế hoạch kích thích được triển khai trong quý 4. Một cuộc thăm dò hồi tháng 4 của Reuters đã đưa ra mức tăng trưởng 2,8% trong năm nay.

Lân Nguyễn (theo Reuters)