Tận dụng cơ hội từ EVFTA để thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh hậu Covid-19

10:58 16/11/2021

Sáng ngày 16/11, tại Hà Nội, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ Thương mại phối hợp với Văn phòng Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị "Tập huấn truyền thông về tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) để thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh hậu Covid-19". Sự kiện nằm trong chuỗi Chương trình tập huấn về các cam kết trong các FTA.

Toàn cảnh Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.

Sau một năm kể từ khi thực thi (1/8/2020 - 1/8/2021), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã mang lại hiệu quả rõ rệt đến nhiều của cả hai khu vực

Trong 9 tháng năm 2021, tổng kim ngạch 2 chiều giữa Việt Nam và EU đạt 41,29 tỉ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 28,85 tỉ USD, tăng 11,7%. Đây là kết quả rất có ý nghĩa trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát gây ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh tế, thương mại của các nước.

Phát biểu khai mạc buổi Hội nghị, ông Đỗ Ngọc Hưng - Phó Chánh Văn phòng Bộ Công Thương chia sẻ: "Tôi mong muốn buổi chuyên đề ngày hôm nay sẽ là kênh cung cấp thông tin, kiến thức hữu ích về các cơ hội mà EVFTA mang lại. Với mong muốn đó, Văn phòng Bộ Công Thương đã phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu tập huấn truyền thông cho các phóng viên, nhà báo với chủ đề như ngày hôm nay". 

"Thông qua tập huấn, Bộ Công Thương hy vọng phóng viên các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp và người dân sẽ hiểu thêm về những vấn đề liên quan đến xuất xứ hàng hóa, về vai trò xuất xứ hàng hóa và phòng vệ thương mại trong các cam kết hội nhập", ông Hưng nói thêm.  

Bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa (Cục Xuất nhập khẩu)
Bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa (Cục Xuất nhập khẩu).

Cũng tại Hội nghị, bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa (Cục Xuất nhập khẩu) đã nêu 5 vấn đề chính, bao gồm: Khái niệm về xuất xứ hàng hóa, Quy tắc xuất xứ hàng hóa để làm gì; quy định xuất xứ ở đâu; Quy tắc xuất xứ EVFTA thế nào; Tận dụng quy tắc xuất xứ EVFTA.

Trong đó, nội dung chính sẽ được đại diện Cục Xuất nhập khẩu trình bày xoay quanh vấn đề xuất xứ hàng hóa trong EVFTA. Bà Hiền nhận đinh:" Xuất xứ hàng hóa gắn liền quốc tịch để kiểm tra xem hàng hóa đến từ đâu và hàng hóa này sẽ được xác định theo từng quốc gia, vùng lãnh thổ - nơi hàng hóa được sản xuất. Cùng một mặt hàng do một nhà máy sản xuất, khi xuất đi các thị trường khác nhau thì quy tắc xuất xứ áp dụng là khác nhau".

Việt Nam đã là thành viên của nhiều FTA,  bà Trịnh Thị Thu Hiền lưu ý, doanh nghiệp có thể tùy chọn FTA nào có lợi nhất, mức thuế nào thấp hơn, quy tắc xuất xứ nào dễ đáp ứng để đạt mức độ thỏa mãn xuất xứ cao nhất, từ đó ưu đãi thuế sẽ tốt hơn.

“Quy tắc xuất xứ sẽ bảo đảm sự cân bằng giữa thuận lợi hóa thương mại và phòng tránh gian lận thương mại. Khi đáp ứng quy tắc xuất xứ ưu đãi, hàng hóa của doanh nghiệp sẽ được cấp C/O ưu đãi và đây mới là giấy thông hành, cam kết pháp lý quan trọng nhất để doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu”, bà Hiền giải thích.

Có thể nói, sau một năm thực thi hiệp định này, mặc dù trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, tác động không nhỏ tới Việt Nam và EU, thương mại xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU và ngược lại đều tăng trưởng hơn 18% so với khi Hiệp định chưa có hiệu lực. 

Trong giai đoạn này, Việt Nam xuất siêu sang EU hơn 11 tỷ USD. Rất nhiều mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, nông thủy sản... đã tận dụng ngay được các lợi thế của Hiệp định này. Song, một năm nhìn lại cũng cho thấy, có rất nhiều thách thức mới, đòi hỏi Việt Nam có sự chuẩn bị kỹ hơn, với những giải pháp cụ thể và mạnh mẽ hơn để có thể khai thác tốt hơn các cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại.

Bảo Bảo