Bộ Tài chính vừa có đề nghị tới UBND TP Hà Nội yêu cầu rà soát việc chấp thuận chủ trương sử dụng tài sản công (quỹ đất) để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) trên địa bàn. Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận chủ trương đầu tư với 5 dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BT, và thanh toán bằng quỹ đất cho các nhà đầu tư với tổng diện tích lên tới hàng trăm ha.
Giải thích về việc này, Sở Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) TP Hà Nội cho biết, đây là các dự án đã được nghiên cứu từ năm 2009 đến 2015, đã được UBND TP báo cáo và Thủ tướng đồng ý chủ trương thực hiện theo hình thức BT, cho phép chỉ định nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng BT.
Việc thực hiện theo hình thức BT và chỉ định nhà đầu tư là do ngân sách khó khăn, khó cân đối nguồn vốn. Từ năm 2016, Hà Nội có chủ trương huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào hạ tầng, trong đó ưu tiên thực hiện một số dự án hạ tầng trọng điểm theo hình thức BT.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, quy định trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì từ ngày 1/1/2018 đã không còn áp dụng quy định tại Quyết định số 23/2015 của Thủ tướng quy định cơ chế nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hợp đồng BT.
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức này và đến nay nghị định chưa đó được ban hành. Vì vậy, để xử lý các vấn đề liên quan trong thời gian một số văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công chưa được ký ban hành, Bộ Tài chính đã có đề nghị Chính phủ tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1/1/2018 cho đến khi nghị định trên có hiệu lực thi hành.
Trên thực tế, không riêng Hà Nội mà nhiều địa phương khác trong cả nước cũng có những vướng mắc phát sinh, thậm chí là sai phạm trong thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT. Mới đây, Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo về hoạt động xây dựng và quản lý sử dụng vốn đầu tư dự án theo hợp đồng BT tại tỉnh Thái Bình năm 2017 với hàng loạt sai phạm.
Theo đó, với nhiều sai phạm được đưa ra, Công ty TNHH Xây dựng chuyển giao Hoàng Long và Cty CP Damsan đều bị Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính với tổng số tiền lần lượt là 14,8 tỷ đồng và 79 tỷ đồng.
Nhu cầu đầu tư phát triển của các địa phương là rất lớn trong khi nguồn vốn ngân sách hạn chế, vì vậy để giải quyết, vướng mắc cho các địa phương và nhà đầu tư, cần sớm hoàn thiện dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) để tạo hành lang pháp lý.
Phan Nam