Tại sao doanh nghiệp Việt chưa niêm yết trên các thị trường chứng khoán quốc tế

17:21 16/04/2021

Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cấp cao tại Đại học Bristol (Anh) cho rằng, có 3 lý do khiến doanh nghiệp Việt Nam chưa niêm yết tại các thị trường chứng khoán quốc tế.

 

Lý do doanh nghiệp Việt chưa niêm yết trên sàn ngoại
Lý do doanh nghiệp Việt chưa niêm yết trên sàn ngoại. 

“Đầu tiên là vấn đề lợi ích niêm yết. Với những doanh nghiệp tốt như Vinamilk, Hòa Phát, việc niêm yết ở nước ngoài trong giai đoạn trước không đem lại nhiều lợi ích hơn cho họ so với niêm yết trong nước nhưng lại làm chi phí và gánh nặng công bố thông tin, tuân thủ chuẩn mực nhiều hơn”, chuyên gia tài chính này nhận định.

Theo ông Tuấn, không phải lúc nào việc niêm yết cổ phiếu tại thị trường chứng khoán quốc tế cũng có thể giúp doanh nghiệp huy động được số vốn lớn hơn so với trong nước. Ngay cả các doanh nghiệp lớn của Việt Nam khi niêm yết ở nước ngoài cũng không dễ để lọt vào nhóm chính. Khi đó, dòng tiền thu hút được ở thị trường ngoại chỉ ở mức thấp.

Cuối cùng là vấn đề thị trường. Theo ông Tuấn, giai đoạn trước đây, dòng tiền chảy vào những kênh huy động vốn trên sàn quốc tế như SPAC hay các phương án niêm yết dễ hơn không mạnh. Do đó, doanh nghiệp niêm yết không "được giá". Tiếp theo là vấn đề chuẩn mực niêm yết. Tiến sĩ Tuấn đánh giá nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ điều kiện để IPO ở nước ngoài. Đó là các yếu tố về yêu cầu lợi nhuận, doanh thu, dòng tiền, chất lượng tài sản. Ngoài ra, các thị trường chứng khoán quốc tế còn yêu cầu về số lượng cổ phiếu lưu hành nhưng Việt Nam lại có nhiều công ty có cơ cấu cổ đông cô đặc.

Chuyên gia này cho biết, sự bùng nổ của những kênh huy động vốn thông qua SPAC từ năm 2020 đến nay một phần do nhu cầu tìm kiếm cơ hội của dòng tiền trong bối cảnh lãi suất thấp. Do đó, thị trường chứng khoán đang tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp có thể niêm yết và huy động được nhiều vốn hơn trước đây.

Về triển vọng các doanh nghiệp Việt Nam niêm yết trên thị trường ngoại, Tiến sĩ Tuấn cho rằng, việc này sẽ phụ thuộc vào các kênh như SPAC còn "nóng" trong bao lâu. "Cơ quan quản lý thị trường ở Anh không thích SPAC và nhiêu thị trường châu Âu cũng sẽ thận trọng. Quan điểm của Ủy ban Chứng khoán Mỹ cũng có thể sẽ siết lại nhưng thị trường Hong Kong và Singapore có vẻ lại thích xu hướng này", ông nhận xét.

Tiến sĩ Tuấn cho rằng, việc niêm yết của các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường chứng khoán quốc tế sẽ phụ thuộc vào điều kiện thị trường. Lợi thế là nhiều nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản đang quan tâm đến Việt Nam.

PV (Theo Zing)