Tài chính xanh, số hóa là chìa khóa quan trọng đối với sự tăng trưởng của châu Á sau COVID-19

22:04 07/02/2022

Tổ chức tư vấn của Anh cho biết khu vực này vẫn cần các chính sách hiệu quả để thúc đẩy tài chính xanh và áp dụng mạnh mẽ kỹ thuật số nếu muốn thúc đẩy phát triển.

Một nhà máy điện mặt trời ở tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc: Asia House cho biết các nền kinh tế mới nổi cần

Một nhà máy điện mặt trời ở tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Châu Á dự kiến ​​sẽ là nền kinh tế khu vực phát triển nhanh nhất thế giới vào năm 2022, khi khu vực này bắt đầu loại bỏ dần tác động của COVID-19. Tuy nhiên, một tổ chức tư vấn của Vương quốc Anh cho biết khu vực này vẫn cần các chính sách hiệu quả để thúc đẩy tài chính xanh và áp dụng mạnh mẽ kỹ thuật số nếu muốn thúc đẩy phát triển.

Nếu không, các nước châu Á có thể rơi vào "bẫy thu nhập trung bình", Asia House có trụ sở tại London cảnh báo trong báo cáo triển vọng hàng năm được công bố vào cuối tháng trước. Cái bẫy đề cập đến tình huống mà một quốc gia có thu nhập trung bình không thể chuyển đổi thành một quốc gia có thu nhập cao.

Tổ chức tư vấn độc lập đã xác định cái mà họ gọi là "3 thách thức chính sách" đối với khu vực, bao gồm tài chính xanh, số hóa và tăng cường điều phối khu vực. Tài chính xanh đề cập đến hoạt động tài trợ nhằm đạt được các kết quả tốt hơn về môi trường, chẳng hạn như "trái phiếu xanh" do một công ty muốn chuyển từ than sang năng lượng sạch hơn phát hành.

Phyllis Papadavid, trưởng nhóm nghiên cứu và cố vấn của tổ chức cho rằng: "Nếu các nền kinh tế châu Á có thể ứng phó hiệu quả với 3 thách thức chính sách này, thì tăng trưởng bền vững, công bằng và dựa trên năng suất sẽ có thể kéo theo triển vọng tươi sáng hơn cho châu Á".

"Để điều này xảy ra, chúng ta cần thấy sự đầu tư chưa từng có cho quá trình chuyển đổi năng lượng, bao gồm tài chính xanh và số hóa đa dạng hơn ở châu Á", Phyllis nói thêm

Trong số các đề xuất của Asia House là các chính sách khuyến khích đầu tư vào xe điện, đào tạo lại kỹ thuật số cho lực lượng lao động để cải thiện năng suất và sử dụng công nghệ kỹ thuật số trong thanh toán - thường là lĩnh vực cốt lõi ở các nền kinh tế mới nổi. Asia House cũng cho biết sự phối hợp trong khu vực là điều cần thiết để thúc đẩy các hiệp định thương mại kỹ thuật số và tài chính xanh.

Các khuyến nghị được đưa ra khi áp lực lạm phát, biến thể omicron lây nhiễm và căng thẳng địa chính trị đang ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, khiến các nhà hoạch định chính sách phải tìm kiếm các biện pháp hiệu quả. Quỹ Tiền tệ Quốc tế vào tháng 1 đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu của năm nay 0,5 điểm xuống 4,4%.

Châu Á dự kiến ​​sẽ tăng trưởng 5,9% trong năm nay, giảm so với dự báo trước đó là 6,3%, mặc dù đó vẫn là mức tăng trưởng nhanh nhất trên toàn thế giới. Trung Quốc hiện được dự báo sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm nay. Đồng thời, 5 nền kinh tế lớn của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) được dự báo sẽ tăng trưởng 5,6% và Ấn Độ là 9%.

Trong báo cáo, Viện nghiên cứu của Asia House cũng lần lượt đánh giá mức độ "sẵn sàng kinh tế" đối với tài chính xanh và số hóa của tám quốc gia lớn ở Châu Á bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Các chỉ số sẵn sàng được tính toán từ các thước đo kinh tế vĩ mô khác nhau, chẳng hạn như tổng dự trữ của một quốc gia, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và chi tiêu của chính phủ cho nghiên cứu và phát triển.

Theo phân tích đó, Trung Quốc dẫn đầu các quốc gia khác về mức độ sẵn sàng cho cả tài chính xanh (72 điểm) và số hóa (72 điểm).

mức độ
Mức độ "sẵn sàng kinh tế" đối với tài chính xanh (màu xanh đậm) và số hóa (màu xanh nhạt) của 8 quốc gia lớn ở Châu Á.

"Thị trường trái phiếu xanh của Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng, với việc phát hành đã phá kỷ lục mới vào năm ngoái", Asia House lưu ý. Nhật Bản đứng thứ hai về cả hai chỉ số, lần lượt là 63 và 59 điểm.

Trong khi đó, Ấn Độ là nền kinh tế thấp nhất trong số 8 nền kinh tế về mức độ sẵn sàng cho số hóa, với 36 điểm.

Philippines cũng đạt điểm tương đối thấp về mức độ sẵn sàng kỹ thuật số (40 điểm). "Chính phủ phải tăng cường đầu tư hơn nữa vào cả cơ sở hạ tầng và kỹ năng để thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số. Loại hình đầu tư này sẽ tác động đến tăng trưởng dài hạn của Philippines, vốn đang bị suy giảm", nhóm nghiên cứu cho biết.

Bảo Bảo