Sức mạnh của lời cảm ơn tại chốn công sở

21:41 29/11/2021

Ai trong chúng ta cũng đều mong muốn được làm việc trong một môi trường lịch sự, thân thiện và ghi nhận công sức đóng góp. Thế nhưng đã bao giờ bạn biểu hiện tấm lòng cảm ơn đối với đồng nghiệp hay nói cách khác, bày tỏ lòng biết ơn mang lại vô vàn lợi ích vô hình mà ta chưa hề biết tới.

Nói lời cảm ơn tới công nhân viên là hành động đẹp của các lãnh đạo doanh nghiệp
Nói lời cảm ơn tới công nhân viên là hành động đẹp của các lãnh đạo doanh nghiệp. (Ảnh: HealthCare Support)

Đây là chủ đề mà Havard Business Review (HBR) đã đề cập khá nhiều. Trong nhiều năm, các nhà nghiên cứu của nhiều tờ báo lớn tại Mỹ đã xuất bản hàng chục bài báo về nghiên cứu tầm quan trọng trong việc đánh giá cao và công nhận công sức của người khác, đặc biệt là với đồng nghiệp. Amy Gallo, biên tập viên tại Harvard Business Review đã đào sâu vào vấn đề này để đưa ra một số lời khuyên tốt nhất.

Tại sao nên bày tỏ sự biết ơn tại nơi làm việc

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rất rõ ràng: Nuôi dưỡng lòng biết ơn giúp cải thiện sức khỏe, giảm căng thẳng và xây dựng khả năng phục hồi, thậm chí rèn luyện tính kiên nhẫn. Bên cạnh đó, nhận ra mặt tốt của mỗi người tác động tích cực đến cách đối nhân xử thế với đồng nghiệp một cách tự nhiên. Các nghiên cứu của giáo sư David DeSteno – chuyên gia nghiên cứu điều hướng cảm xúc chỉ ra rằng “khi mọi người cảm thấy biết ơn, họ sẵn sàng dành nhiều nỗ lực hơn để giúp đỡ người khác, trở nên trung thành ngay cả khi phải trả giá cũng như chia đều lợi nhuận với đối tác thay vì kiếm nhiều tiền hơn cho bản thân”.

Bày tỏ lòng biết với đồng nghiệp sẽ tạo cho họ cảm giác được trân trọng đồng thời sẵn lòng giúp ta trong những lần sau. Francesca Gino và Adam Grant đã thực hiện một loạt nghiên cứu về vấn đề này trong đó những người tham gia chia sẻ họ nhận được lời cảm ơn của các sinh viên thực tập. Đổi lại, khi nhóm sinh viên muốn xin đánh giá cho kỳ thực tập, những người được cảm ơn trước đó đều đồng ý và tỉ lệ này gấp đôi so với những ai không được bày tỏ. Nói cách khác, nếu ta không nói lời cảm ơn, cơ hội được giúp đỡ cho những lần sau sẽ giảm đi một nửa.

Cảm thấy biết ơn sẽ tác động tích cực đến văn hóa làm việc tại công sở. Trong một nghiên cứu khác, những người tham gia được yêu cầu viết nhật ký về ngày làm việc trong hai tuần và họ được phân công ngẫu nhiên vào một trong hai nhóm: Một nhóm được khuyến khích viết ra những điều về con người hay dự án mà họ biết ơn, và số khác được hướng dẫn chỉ ghi lại công việc hàng ngày. Nhóm một cho biết sau khi thực hành, họ có khả năng kiểm soát bản thân tốt hơn, đồng nghiệp đánh giá họ thay đổi, ít thô lỗ hơn, ít nói chuyện phiếm tại nơi làm việc. Nếu trong trường hợp không khí làm việc căng thẳng, đây là cơ hội tốt để thể hiện lòng biết ơn. Cuộc sống đầy những bộn bề lo toan cũng như áp lực công việc đè nặng, chúng ta thường cảm thấy kiệt sức và bối rối về vai trò của bản thân. Hãy thay đổi bằng cách ghi nhận đồng nghiệp cũng như chính bản thân ta.

Cách bày tỏ lòng biết ơn

Để thể hiện lòng biết ơn, nói những gì và nói như thế nào đều vô cùng quan trọng. Một lời “cảm ơn” không phải lựa chọn tồi nhưng không phải có tác dụng với mọi trường hợp. Thay vào đó, bạn cần thể hiện cụ thể điều bạn biết ơn cũng như giải thích tại sao điều đó lại có ý nghĩa. Vậy khi nào thì bạn nên bày tỏ lòng biết ơn? Câu trả lời ngắn gọn là ngay bây giờ, càng bày tỏ sớm hành động càng tích cực. Tất nhiên, bạn có thể gửi tin nhắn, email hoặc văn bản hay nhiều hình thức khác. Bất kể sử dụng phương tiện nào, hãy dành thời gian để suy nghĩ về những điều bạn biết ơn đã ảnh hưởng thế nào.

Christopher Littlefield, một chuyên gia về đánh giá nhân viên đã đưa ra một số cách để mở đầu thông điệp:

-  Cuối tuần vừa rồi, tôi đã dành thời gian suy nghĩ về dự án mà chúng ta hợp tác, tôi nhận ra rằng mình chưa nói lời cảm ơn với bạn.

-  Gần đây, chúng ta đã rất bận rộn nên tôi không dành được nhiều thời gian để bày tỏ sự cảm kích đối với công sức của tất cả mọi người.

-   Trong kỳ nghỉ lễ, tôi đã nghĩ về những gương mặt đã có đóng góp cho công ty và người đầu tiên tôi nghĩ đến là bạn.

Theo nhà tâm lý học xã hội Heidi Grant, mỗi người đều mong muốn được ghi nhận, do đó đừng chỉ thể hiện một cách sáo rỗng như “... giúp tôi thư giãn”, “... giúp tôi hạnh phúc” mà hãy nhấn mạnh một cách cụ thể: “Bạn đã thực sự bứt phá...”. Tại HBR, chúng tôi có “Pie Day”. Hàng năm vào ngày thứ ba trước kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn ở Hoa Kỳ, chúng tôi có cơ hội viết thư cảm ơn cho các đồng nghiệp. Không có thời điểm nào phù hợp để bày tỏ tấm lòng hơn là những ngày lễ vì đó là lúc chúng ta nhìn lại một năm đầy cố gắng.

Đức Anh