Sự thích ứng và chính sách làm "đòn bẩy" cho doanh nghiệp vượt COVID

16:33 22/03/2022

Với sự chuẩn bị, khả năng tái cấu trúc, hỗ trợ của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp Việt Nam đã vươn lên, có những cơ hội mới trong năm 2022 này.

Suốt thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã phải chống chọi với những tác động tiêu cực của đại dịch. Đồng hành cùng doanh nghiệp, Nhà nước ta đưa ra nhiều chính sách tích cực. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đã đưa ra đánh giá khả quan về sự vươn lên của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Cụ thể theo TS Đinh Trọng Thịnh, ngay khi bùng phát đại dịch vào tháng 2/2020, Thủ tướng đã có những văn bản chỉ đạo để các cơ quan chức năng đã ra các thông tư nghị định hỗ trợ cho doanh nghiệp. Nhưng thời điểm đó chúng ta đang thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.

Sự thích ứng và chính sách làm
Sự thích ứng và chính sách làm "đòn bẩy" cho doanh nghiệp vượt COVID.

Bộ Tài chính ra chính sách giãn, hoãn thuế, cùng với đó ngân hàng Nhà nước chỉ đạo những chính sách tái cấu trúc nợ, giảm lãi suất nợ cho doanh nghiệp,… Những điều này giúp doanh nghiệp vượt qua năm 2020.

Sang năm 2021, không may tháng 6 trở đi chúng ta rơi vào trạng thái bùng phát đại dịch lần thứ 4, buộc phải thực hiện giãn cách ở các thành phố lớn. Nhà nước đưa ra chính sách miễn giảm thuế, hoãn giảm thuế đất,...  "Chính những hỗ trợ đó giúp DN có nguồn tài chính tồn tại sau đại dịch, đồng thời  tái cấu trúc và thực hiện số hóa cho hoạt động của doanh nghiệp." - PGS.TS Định Trọng Thịnh đánh giá.

Đại dịch COVID bùng phát lập tức làm nền kinh tế các nước chao đảo. Đáng nói, trong khi các nước trên thế giới gặp phải những khó khăn và mức giảm của nền kinh tế thế giới âm 4,2% thì Việt Nam vẫn giữ được mức 2,91%. Ở một số quốc gia đã có thể khống chế lại đại dịch và nhiều quốc gia đã có mức tăng trưởng mạnh mẽ, cho thấy sức sống của các quốc gia trong quá trình hồi phục.

Không may tại Việt Nam, trong làn sóng thứ 4 đã khiến số ca bệnh tăng cao, đặc biệt ở chính những đầu tàu kinh tế Việt Nam như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương. Điều này khiến chúng ta thực hiện lệnh phong tỏa, từ đó nền kinh tế bị ảnh hưởng.

Tới quý IV/2021, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt mức 5,5%, kết quả cả năm 2021 nước ta vẫn tăng trưởng dương ở mức 2,58%. TS Định Trọng Thịnh cho rằng điều này thể hiện sức sống nền kinh tế, cho thấy sự thích ứng, khả năng thích ứng với điều kiện khó khăn vẫn được đánh giá là tốt.

Nhiều chuyên gia dự báo quá trình phục hồi hoàn toàn nền kinh tế vẫn còn rất gian lao. Với sự chuẩn bị, khả năng tái cấu trúc, hỗ trợ của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp Việt Nam đã vươn lên, có những cơ hội mới trong năm 2022 này.

Theo TS Đinh Trọng Thịnh, doanh nghiệp thích ứng với điều kiện mới là rất tốt. Điều này thấy rõ ở điển hình như trong tháng 1/2022, có hơn 13.000 doanh nghiệp thành lập mới . Hi vọng năm 2022, doanh nghiệp và nền kinh tế có nhiều cơ hội để phát triển tốt hơn.

Khi nền kinh tế quay trở lại, doanh nghiệp đã có sức bật rất mạnh. Và để hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp và người dân có thể yên tâm sản xuất, và có điều kiện vượt lên, tạo ra lực đẩy cho cả nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng, Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ 350.000 tỷ. Gói hỗ trợ này hướng đến mục tiêu hỗ trợ cho các doanh nghiệp hồi phục và phát triển sau đại dịch để dn có thể sống chung với đại dịch COVID-19.

Hà Linh - Bảo Trinh