Công điện nêu rõ, dù đã có nhiều văn bản chỉ đạo và các biện pháp triển khai thực hiện, tình trạng lừa đảo qua mạng vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi và mang tính xuyên quốc gia, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân và doanh nghiệp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố và đơn vị liên quan tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đã được giao tại Công điện số 139/CĐ-TTg về việc tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo công nghệ cao.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Bộ Công an được giao chỉ đạo lực lượng công an địa phương mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là lừa đảo qua mạng. Đồng thời, cần thường xuyên rà soát, ngăn chặn và xóa bỏ các trang web, ứng dụng, tài khoản, cuộc gọi và tin nhắn nghi vấn – nhất là các cuộc gọi từ nước ngoài, cuộc gọi sử dụng VoIP hay ứng dụng OTT.
Bộ Quốc phòng cần tổ chức trinh sát, thu thập thông tin, đánh giá và nắm chắc tình hình trên không gian mạng, phối hợp cùng Bộ Công an và Bộ Khoa học và Công nghệ để phát hiện, xử lý các trang web, phần mềm độc hại, địa chỉ IP liên quan đến hành vi lừa đảo.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao chỉ đạo các ngân hàng và đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán trung gian kiểm tra, xác thực sinh trắc học đối với các giao dịch doanh nghiệp; loại bỏ tài khoản không chính chủ hoặc có thông tin sai lệch; cảnh báo các tài khoản có giao dịch từ địa chỉ IP nước ngoài và kết nối thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước rà soát và đề xuất sửa đổi các quy định trong lĩnh vực viễn thông, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp viễn thông xác thực thông tin thuê bao, xử lý SIM có thông tin không chính xác.
Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu biện pháp tăng cường hậu kiểm doanh nghiệp, phát hiện các doanh nghiệp không có hoạt động kinh doanh thực tế sau đăng ký; phối hợp với Bộ Công an xác minh thông tin người đại diện pháp luật, góp phần làm sạch dữ liệu doanh nghiệp và ngăn ngừa hành vi lợi dụng pháp nhân để lừa đảo.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan báo chí có nhiệm vụ đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân nhận diện phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới. Các địa phương cần đổi mới hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc thù từng vùng, đồng thời đầu tư cho lực lượng phòng chống tội phạm công nghệ cao.
Tại các địa phương có biên giới đất liền, lực lượng Công an và Biên phòng được giao tăng cường kiểm soát địa bàn, phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng xuất nhập cảnh để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Các cơ quan truyền thông lớn như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam… cần tăng cường phản ánh thủ đoạn lừa đảo mới, đồng thời cập nhật kết quả phòng ngừa, xử lý tội phạm để người dân nâng cao nhận thức và kịp thời tố giác tội phạm.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc quán triệt và triển khai các nội dung trong Công điện. Bộ Công an chịu trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra và tổng hợp báo cáo định kỳ kết quả thực hiện để trình Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ phối hợp cùng Bộ Công an thường xuyên đôn đốc, theo dõi và báo cáo kết quả triển khai Công điện này.