Bộ Tài nguyên & môi trường cho biết, sẽ tập trung xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (cập nhật). Tiếp tục triển khai các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; nhiệm vụ, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại Đề án triển khai kết quả COP26, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê tan.
Theo Bộ Tài nguyên & Môi trường, năm 2024 sẽ hoàn thiện các quy định về quản lý tín chỉ các-bon tại Việt Nam, thúc đẩy phát triển thị trường các-bon trong nước và kết nối với thị trường các-bon khu vực và thế giới. Tập trung thực hiện Kế hoạch huy động nguồn lực triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, cơ quan có liên quan triển khai cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 và phát huy tổng hợp các nguồn lực nhằm thúc đẩy các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ta. Tăng cường hợp tác quốc tế để tiếp tục học hỏi kinh nghiệm, tận dụng nguồn lực trong triển khai các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu
Từ đó, chủ động bám sát các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu. Tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập 26 quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Tuyên bố JETP); Đề án tổ chức Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước. Triển khai thực hiện Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030; Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26. Tích cực làm việc với Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (GFANZ) và các định chế tài chính trong và ngoài nước nhằm triển khai cam kết của Việt Nam về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cơ quan này cho biết, đang thực hiện mục tiêu Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Thỏa thuận Paris, Bộ đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai xây dựng dự thảo Thông báo quốc gia lần thứ tư của Việt Nam và Báo cáo minh bạch hai năm một lần lần thứ nhất của Việt Nam để gửi Ban thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) hoàn thiện Hệ thống báo cáo trực tuyến giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia; phối hợp với các cơ quan liên quan và Ngân hàng Thế giới hoàn thiện Văn kiện Dự án triển khai thực hiện thị trường các-bon tại Việt Nam để thực hiện trong giai đoạn 2024-2028. Tham gia thực hiện những mục tiêu của Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn và Nghị định thư Montreal ; triển khai một số hoạt động hợp tác quốc tế với các bên về quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát, quản lý vòng đời các chất fluorocarbon, làm mát bền vững khu vực đô thị, làm mát xanh quốc gia. Tích cực làm việc với Ngân hàng Thế giới, UNEP và các chuyên gia về xây dựng Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HFC giai đoạn 1 và Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC giai đoạn 3.
Thực hiện Tuyên bố JETP, nhằm thu hút đầu tư vào chuyển đổi và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, củng cố hạ tầng lưới điện, giáo dục và đào tạo nghề, huy động tham gia của khu vực tư nhân vào phát triển các trung tâm năng lượng tái tạo, lưu trữ, cất trữ và sử dụng các-bon, sản xuất thiết bị và pin lưu trữ năng lượng, sản xuất hydrogen xanh, phát triển điện gió ngoài khơi… Tổ chức công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) tại COP28 cùng với Nhóm các đối tác quốc tế.
Huy động các nguồn lực ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long; chú trọng bảo vệ môi trường, thúc đẩy trồng rừng, lần đầu tiên bán chứng chỉ carbon và phát hành trái phiếu xanh. Triển khai quyết liệt các chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng, thể hiện trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Nhân Hà