Xuất khẩu sầu riêng "chạy nước rút": Đẩy mạnh sản xuất sạch để giữ vững thị trường |
Trong bức thư gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ông Vũ Đức Côn – Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk đã nêu rõ hàng loạt bất cập trong quản lý chất lượng và cấp mã số vùng trồng khiến ngành sầu riêng đứng trước nguy cơ mất thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc.
Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất của sầu riêng Việt Nam kể từ khi hai nước ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 3,2 tỷ USD, con số ấn tượng cho thấy tiềm năng to lớn của ngành hàng này. Tuy nhiên, từ năm ngoái đến nay, phía Trung Quốc liên tục phát hiện tồn dư Cadimi trong sầu riêng của Việt Nam và Thái Lan. Đáng chú ý, việc phát hiện chất vàng O có khả năng gây ung thư trong sầu riêng Thái Lan đã khiến các quy định kiểm soát trở nên khắt khe hơn bao giờ hết.
Hiện Trung Quốc yêu cầu 100% lô hàng sầu riêng phải có chứng nhận kiểm nghiệm dư lượng Cadimi và vàng O mới được thông quan. Nếu vi phạm, mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói liên quan sẽ bị đình chỉ. Đến nay, Việt Nam đã bị thu hồi khoảng 55 mã số vùng trồng và 61 mã số cơ sở đóng gói. Trong khi đó, các mã số thay thế do cơ quan chức năng cấp lại chưa được Trung Quốc chấp nhận.
![]() |
Sầu riêng “tắc đường” xuất khẩu: Doanh nghiệp kiến nghị khoanh vùng “báo động đỏ” |
Thực trạng này khiến doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn. Theo ông Vũ Đức Côn, cả nước hiện có khoảng 150.000 ha sầu riêng nhưng chỉ khoảng 20% diện tích được cấp mã số xuất khẩu. Việc tìm kiếm phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn phía Trung Quốc công nhận cũng là thách thức lớn, khiến nhiều doanh nghiệp “ngồi trên đống lửa” vì không thể đưa hàng ra thị trường đúng thời điểm.
Đặc biệt, Đắk Lắk - thủ phủ sầu riêng Tây Nguyên sắp vào chính vụ thu hoạch với sản lượng dự kiến lên đến 500.000 tấn, nguy cơ ùn ứ, thua lỗ là rất rõ nếu không sớm có biện pháp tháo gỡ.
Trước tình hình đó, Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường rà soát và minh bạch hóa quy trình cấp, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói; Khoanh vùng “báo động đỏ” với các vùng trồng vi phạm hoặc có nguy cơ cao, đồng thời có giải pháp canh tác phù hợp; Đẩy mạnh truyền thông để người dân hiểu rõ tầm quan trọng của an toàn thực phẩm; Ứng dụng khoa học - công nghệ để kiểm soát chất lượng từ khâu thu hoạch đến kiểm nghiệm vệ sinh thực phẩm.
Đáng chú ý, Hiệp hội đề xuất các lô hàng vi phạm quy định dư lượng chất cấm cần bị tiêu hủy thay vì để quay lại tiêu thụ nội địa, nhằm bảo vệ sức khỏe người dân và uy tín nông sản Việt Nam.
Trong thời gian chờ chính sách tháo gỡ, Hiệp hội đã chủ động hợp tác với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên để lấy mẫu diện rộng, đánh giá mức độ tồn dư chất cấm và truy xuất nguồn gốc ô nhiễm. Về lâu dài, Đắk Lắk sẽ xây dựng bộ tiêu chuẩn riêng để kiểm soát chất lượng sầu riêng, đảm bảo ổn định thị trường xuất khẩu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong 4 tháng đầu năm 2025, Việt Nam xuất khẩu 35.000 tấn sầu riêng, đạt khoảng 20% kế hoạch năm, trị giá 130 triệu USD. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2024, chỉ riêng thị trường Trung Quốc đã tiêu thụ tới 79.300 tấn, giá trị gần 370 triệu USD. |