Du khách Việt sẽ là những người đi du lịch đầu tiên khi dịch kết thúc và nếu có những chương trình thu hút khách hấp dẫn thì chỉ vài tháng là thị trường có thể phục hồi.
Khách nội địa đóng góp gần 40% trong tổng thu từ khách du lịch của Việt Nam năm 2018. Đồ họa: Đào Loan |
Nơi nào cũng muốn "kéo" khách Việt
Trao đổi với TBKTSG Online, nhiều doanh nghiệp cho biết hai lý do chính để chọn thị trường trong nước là "nắm đấm" giúp phục hồi lượng khách suy giảm sau dịch Covid-19 là quy mô thị trường và tốc độ phản hồi với các chương trình kích cầu.
Trước hết, thị trường nội địa có quy mô rất lớn. Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, vào năm ngoái, lượng khách nội địa đạt đến 85 triệu lượt, tăng 6% so với năm 2018. Thị trường tăng trưởng liên tục trong nhiều năm gần đây.
Vào năm ngoái, mức chi tiêu bình quân của khách nội địa là 5,8 triệu đồng/lượt khách nghỉ qua đêm và 1,92 triệu đồng/lượt khách không nghỉ qua đêm
Tại các doanh nghiệp lữ hành và khách sạn, đây cũng là thị trường lớn, có mức chi trả ngày càng tốt hơn, phân khúc khách hàng có thể phát triển rất đa dạng. Đặc biệt, thị trường có phản hồi rất tốt và nhanh với các chương trình khuyến mãi, giảm giá.
"Gần như các chương trình giảm giá đều có hiệu quả thu hút khách ngay lập tức. Nếu có chương trình hấp dẫn, có thể chỉ chừng ba tháng là thị trường trong nước hồi phục," ông Nguyễn Ngọc An, Phó tổng giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour nói và cho rằng nếu dịch bệnh kết thúc sớm, doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn trong các kế hoạch phục hồi vì có thể thu hút được khách hàng trong mùa du lịch hè.
Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt cũng có ý kiến tương tự, cho rằng thị trường quốc tế cũng rất cần kích cầu nhưng do mảng này cần nhiều thời gian hơn mới có thể kéo khách nên du khách Việt sẽ là cứu cánh trước mắt.
"Năm nay, muốn sống được phải khai thác mạnh thị trường trong nước," ông nói.
Nhiều doanh nghiệp cho biết đang chuẩn bị kêu gọi đối tác cùng đưa ra các sản phẩm khuyến mãi sau dịch Covid-19. Dự kiến, sau đợt khủng hoảng này, mức giảm giá cho khách trong nước sẽ rất tốt vì không chỉ doanh nghiệp mà nhiều địa phương cũng muốn nhanh chóng thu hút khách để bù vào phần sụt giảm do ảnh hưởng của dịch.
"Chúng tôi chỉ mới vừa kêu gọi nhưng cho đến cuối tuần trước, đã có 40 tỉnh thành cùng nhiều doanh nghiệp hàng không, đường sắt, đường bộ, đường thủy và dịch vụ tại điểm đến đồng ý cùng tham gia kích cầu," bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM nói.
Theo bà, có những đơn vị vận chuyển đường bộ đăng ký giảm giá đến 40%. Hiệp hội đang chuẩn bị khảo sát dịch vụ ngay trong thời kỳ dịch để khi kết thúc là có thể đưa ra chương trình kích cầu. Các điểm đến được giới thiệu trước sẽ là Đồng bằng sông Cửu Long cùng cụm Phú Yên, Gia Lai và Kon Tum.
Bà cho rằng, ở đợt suy giảm năm 2009, thị trường nội địa chỉ mất vài ba tháng là có thể hồi phục. Sau đó, cơ cấu thị trường này tại nhiều doanh nghiệp cũng thay đổi, đầu tư cho mảng nội địa được chú trọng hơn. Đợt giảm khách do Covid-19 lần này tuy đang làm doanh nghiệp khó khăn nhưng nếu hành động tốt sau dịch thì có thể sẽ tạo nên một lực đẩy mới cho thị trường nội địa.
Kích cầu sau dịch phải khác
Khách du lịch xem biểu diễn chim, thú ở Phú Quốc. Ảnh: Đào Loan |
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, mấu chốt của đợt kích cầu cho khách trong nước sau Covid-19 là giá. Giá phải giảm sâu, với tour trọn gói phải từ 30% trở lên mới có thể nhanh chóng thu hút khách. Tuy nhiên, kích cầu sau dịch khác với những chương trình khuyến mãi để tăng sức mua trong những mùa du lịch thông thường, không thể chỉ giảm giá chung chung là có thể tăng sức mua.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông của Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, cho biết với thị trường nội địa, các chương trình kích cầu thường tập trung vào một số điểm đến có ưu đãi của hàng không để thực hiện. Tuy nhiên, điều khó khăn với dịch Covid-19 lần này là không biết khi nào dịch tan để chọn sản phẩm phù hợp nhằm kích cầu có hiệu quả.
Chẳng hạn, nếu dịch tan trước hè thì có thể chuẩn bị sản phẩm phù hợp cho mùa này để kích cầu, thu hút đối tượng khách quan trọng là nhóm khách gia đình đi du lịch hè với trẻ em nhưng nếu thời điểm khác thì sản phẩm lại phải khác mới hút khách được.
"Hiện mọi thứ vẫn chưa rõ ràng để có thể tính toán cụ thể. Mỗi thời điểm kết thúc dịch khác nhau thì kịch bản phục hồi phải khác. Điều quan trọng của kích cầu sau dịch là phải chọn "món cỗ" đúng vị thèm của khách," bà nói.
Ông An của Lữ hành Fiditour nhận định, du khách trẻ sẽ là những người đi du lịch sớm nhất sau dịch và cần những dịch vụ lẻ, có giá tốt để thu hút những khách hàng này. Những vị khách này cũng sẽ là những "kênh truyền thông" tích cực để kêu gọi các những khách hàng khác lên đường.
Với tour trọn gói, nếu các dịch vụ liên quan có thể giảm đủ tốt để lữ hành giảm tour trọn gói ít nhất 30% thì tác động đến sức mua sẽ rất mạnh. "Chúng tôi đang chuẩn bị cho kế hoạch phục hồi sau dịch. Thị trường tuy đang giảm nhưng kỳ vọng sắp tới không phải là không có, vẫn có khách hỏi tour, hỏi giá cho các tour sắp tới," ông nói.
Trong khi đó, ông Huê của Vòng Tròn Việt cho rằng, do khách đã sợ tụ tập đám đông trong dịch nên tổ chức tour theo đoàn đông sẽ khó thu hút khách sau Covid-19. Tour có thể thu hút khách hàng là những tour cho nhóm nhỏ, tour ngắn khoảng 3 ngày. Thêm vào đó, những khu nghỉ dưỡng cao cấp, những địa phương không được nhắc đến nhiều trong thời gian có dịch bệnh sẽ có cơ hội thu hút nhiều khách hàng.
Đào Loan