Khi được hỏi rủi ro gì sẽ đến với doanh nghiệp (DN) trong tương lai, ở góc độ của một nhà đầu tư nước ngoài, ông Jeffrey Alan Fielko, Giám đốc điều hành Tetra Pak Việt Nam (100% vốn Thụy Điển), tỏ ra băn khoăn về sự không sẵn sàng của lực lượng lao động và những mối lo về năng lực ứng dụng công nghệ của người lao động Việt.
Bài toán “đau đầu”
Còn theo ông Andy Han Suk Jung, Tổng giám đốc Sonkim Land, nhân lực đang là bài toán “đau đầu” cho rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề ở Việt Nam. Các DN phải cạnh tranh trong bối cảnh người tài không nhiều.
Chia sẻ tại Diễn đàn về nhân sự Vietnam HR Awards Forum 2019 diễn ra ở Tp.HCM ngày 21/11, không ít nhà lãnh đạo DN trong và ngoài nước đã bày tỏ sự lo lắng về việc thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao như hiện nay.
Ông Ganesan Ampalavanar, Giám đốc điều hành Nestlé Việt Nam, lưu ý nền kinh tế Việt Nam đang phát triển rất nhanh và nhân tài là một thách thức lớn với tất cả các DN. Dù thế nào thì các DN cũng phải cố gắng tìm kiếm và đào tạo được nguồn nhân lực lâu dài cho mình.
Tuy nhiên, ông Huỳnh Hữu Khang, Giám đốc điều hành FWD Việt Nam, lại đặt ra câu hỏi: “Tìm đâu ra nhân tài ở Việt Nam khi mà nguồn chất xám có dấu hiệu chảy ra nước ngoài? Và chúng ta hỗ trợ nhân tài bằng cách nào, làm sao để họ phát huy được tài năng?”.
Theo ông Khang, đây là rủi ro lớn với nhiều DN hiện nay trước vấn đề làm sao tạo được môi trường tốt để tối đa hoá năng lực của nguồn nhân lực chất lượng cao vốn đang thiếu hụt tại Việt Nam.
Trong khi đó, những dự báo gần đây cho thấy với những hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như FTA Việt Nam - EU (EVFTA) hay Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nhu cầu về nhóm lao động trình độ cao là rất lớn.
Với EVFTA, theo dự báo từ năm 2020 trở đi, mỗi năm các DN ở Việt Nam sẽ cần thêm 18.000 - 19.000 việc làm mới, với CPTPP sẽ cần thêm 17.000 - 27.000 việc làm mới/năm.
Ở hai FTA thế hệ mới này, thời gian đầu, lao động thuộc ngành da giày, dệt may, chế biến thủy sản, lắp ráp điện tử… duy trì được việc làm và có cơ hội thu nhập cao hơn. Thế nhưng sau đó, cơ hội việc làm sẽ chuyển dịch sang nhóm lao động trình độ cao.
Trong tổng số 30 chương của CPTPP, chương 19 quy định về lao động được đánh giá là các điều khoản lao động quan trọng nhất trong FTA được ký kết cho đến nay. Trọng tâm của mô hình mới này đối với thương mại là sự cải tiến tiêu chuẩn lao động.
Nhân lực đang là bài toán “nhức đầu” cho nhiều ngành nghề ở Việt Nam
Phải sớm thích nghi
Trước những thách thức về nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao từ các FTA thế hệ mới, giới chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần phải xây dựng mục tiêu và kế hoạch phát triển về lao động. Đặc biệt là cần hỗ trợ các DN xây dựng hoàn thiện hệ thống quản lý tiêu chuẩn lao động theo chuẩn quốc tế và phải thích nghi với những tiêu chuẩn của thị trường đối tác.
Riêng về vấn đề năng suất, theo Giám đốc của Tetra Pak Việt Nam, đây là yếu tố then chốt đối với các DN trong tương lai. Sự phát triển về tiêu dùng của khách hàng đang đòi hỏi DN phải gắn kết hơn với đội ngũ nhân lực để gia tăng năng suất lao động tốt hơn nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tổng giám đốc của Sonkim Land lại cho rằng muốn tăng năng suất thì vai trò của người đứng đầu DN rất quan trọng, phải khơi gợi được cảm hứng cho nhân viên. Việc tương tác giữa công ty với khách hàng là quan trọng, nhưng việc tương tác giữa nhân viên với công ty lại càng quan trọng hơn.
Thực tế hiện nay cho thấy số lượng lao động đào tạo bậc trung tại Việt Nam chỉ có thể đáp ứng 20 - 30% nhu cầu nhân sự, trong khi trình độ đào tạo và nhóm có trình độ đào tạo bậc trung có ảnh hưởng mạnh nhất đến năng suất lao động.
Do mất cân đối cung cầu về nguồn lao động, chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo còn yếu nên nhân lực Việt được cho là nhiều về số lượng nhưng lại không ổn định và bền vững.
Phân tích một cách bao quát về thị trường nhân lực Việt với nhiều yếu tố thách thức, ông Puneet Swani - chuyên gia quốc tế về nhân sự cấp cao, đưa ra lời khuyên: nguồn nhân lực ở Việt Nam cần sớm thích nghi với xu hướng chuyển đổi số của nền kinh tế. Đặc biệt là khi nhân lực trẻ tại Việt Nam rất dồi dào, được ví như “lượng nhân công vàng”, các DN cần phải giúp họ có những kỹ năng mới.
“Nhiều nhân sự tỏ ra lo lắng trước tự động hóa, luôn tự hỏi cần phải có những kỹ năng gì trong tương lai? Các DN cần tương tác nhiều hơn với nhân sự trong công ty và đầu tư thích đáng cho tài năng của họ”, ông Puneet nói.
Dưới góc nhìn của một DN Việt chuyên về kết nối nhân lực chất lượng cao, bà Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc CTCP Talentnet, nhấn mạnh không một DN nào có thể tồn tại nếu nguồn nhân lực không đáp ứng được định hướng phát triển của mình.
Vì vậy, rất cần thúc đẩy mối tương quan giữa lãnh đạo DN và cấp quản lý nhân sự, nâng cao tính cộng hưởng giữa chiến lược kinh doanh và chính sách phát triển con người, từ đó tạo ra giá trị thặng dư và phát triển bền vững cho DN.
Thế Vinh