Theo một thông cáo báo chí công bố hôm thứ Tư, IMF kỳ vọng động lực tăng trưởng của Trung Quốc sẽ tiếp tục, và nâng dự báo tổng sản phẩm quốc nội trong năm tới tăng lên 4,5% từ mức 4,1%. Trung Quốc đang đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay. Trong quý đầu tiên, mức tăng trưởng được báo cáo là 5,3%, tốt hơn dự kiến mặc dù sự sụt giảm về nhà ở tiếp tục đè nặng lên nhu cầu trong nước.
IMF nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc
Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của Quỹ Gita Gopinath cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg rằng: “Chúng tôi nhận thấy rằng mức tiêu dùng đang phục hồi nhưng vẫn còn một số khó khăn”. “Đầu tư công vẫn đang cho thấy sự hiệu quả. Tuy nhiên, đầu tư tư nhân còn yếu, chủ yếu là do sự yếu kém trong lĩnh vực bất động sản”.
IMF đã kêu gọi Bắc Kinh cung cấp thêm các biện pháp hỗ trợ tài chính và tiền tệ cho nền kinh tế. Điều này bao gồm cả các bước tiếp theo để giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở vẫn đang tồn tại bất chấp nỗ lực nhiều lần của chính quyền nhằm đặt ra mức giá sàn và thúc đẩy nhu cầu.
Trong tuyên bố hôm thứ Tư của IMF, bà Gopinath cho biết, ưu tiên hiện tại nên là “huy động các nguồn lực của chính phủ trung ương để bảo vệ người mua nhà dự án chưa hoàn thiện và đẩy nhanh việc hoàn thành các dự án đang thi công, mở đường cho các chủ đầu tư mất khả năng thanh toán”.
Hồi đầu tháng 5, các quan chức Trung Quốc đã công bố một nỗ lực mới nhằm củng cố thị trường bất động sản, giảm bớt yêu cầu trả trước đối với người mua nhà. Đồng thời, ngân hàng trung ương cũng đưa ra khoản trợ cấp trị giá 300 tỷ nhân dân tệ (42 tỷ USD) để giúp chính quyền địa phương mua lại hàng tồn kho từ các nhà phát triển.
Bà Gopinath nói sẽ cần nhiều biện pháp hơn nữa. “Chính sách tài khóa nên ưu tiên cung cấp hỗ trợ tài chính một lần của chính phủ trung ương cho lĩnh vực bất động sản”, trong khi lạm phát thấp đồng nghĩa với việc vẫn còn dư địa để nới lỏng tiền tệ hơn nữa.
Những căng thẳng thương mại
Quỹ vẫn đang đánh giá tác động của các mức thuế quan được công bố gần đây của Mỹ đối với Trung Quốc. Theo bà Gopinath, các chính sách làm trầm trọng thêm sự phân mảnh thương mại sẽ là tiêu cực đối với toàn thế giới.
Bà cho biết: “Các chính sách thương mại đã trở nên hạn chế hơn và cũng tăng lên ở khắp các quốc gia,” với khoảng 3.000 hạn chế thương mại mới được áp dụng vào năm 2023 - gấp ba lần con số này vào năm 2019.
Bà nói: “Rủi ro đối với hệ thống thương mại toàn cầu ngày càng gia tăng và chúng ta đang thấy những dấu hiệu ban đầu của sự phân mảnh”. “Thương mại giữa các quốc gia có nhiều liên kết địa chính trị được duy trì tốt hơn giữa các quốc gia ít liên kết hơn về mặt địa chính trị”.
Làn sóng bảo hộ thương mại đang gia tăng
Bà Gopinath cho biết thêm, các quốc gia cũng đang ngày càng phụ thuộc vào các chính sách công nghiệp. Điều này có thể dẫn đến việc phân bổ sai nguồn lực, và có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa ảnh hưởng đến các đối tác thương mại khác.
Bà nói: “Khi bất kỳ quốc gia nào trong số ba khu vực là Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu hoặc Trung Quốc, áp dụng một chính sách trợ cấp nào đó, chúng tôi nhận thấy rằng, trong vòng 12 tháng tiếp theo, có 75% khả năng quốc gia còn lại cũng sẽ trả đũa bằng một khoản trợ cấp tương tự”.
Lân Nguyễn (theo Bloomberg)