Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, kinh tế-xã hội quý 1 của nước ta tuy chưa đạt được mức tăng trưởng cao nhưng là kết quả tích cực, đáng ghi nhận khi tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới ở mức rất thấp hoặc đang suy giảm, khẳng định chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từng bước phát huy hiệu quả.
Đáng chú ý, mặc dù tăng trưởng trong khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4% và làm giảm 4,76% trong mức tăng trưởng chung, song khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn ghi nhận mức tăng 2,52% và đóng góp 8,85%.
Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ tăng mạnh 6,79% và đóng góp 95,91% trong mức tăng chung. Theo bà Hương, điều này có được là nhờ chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới khi dịch COVID-19 được kiểm soát đã phát huy hiệu quả.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,9%; trong đó doanh thu du lịch lữ hành tăng gần 120%, doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 28%, đặc biệt là khách quốc tế đến Việt Nam đã gấp 29,7 lần so với cùng kỳ năm trước.
Về thương mại, Việt Nam vẫn xuất siêu 4,07 tỷ USD trong quý 1, trong đó tập trung vào mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản và rau quả.
Nhìn chung, tình hình lạm phát vẫn được kiểm soát ở mức phù hợp. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Ba giảm 0,23% so với tháng Hai và tăng 3,35% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, CPI bình quân quý 1 đã tăng 4,18%.
Bà Hương cũng nhấn mạnh xu hướng tăng trưởng kinh tế Việt Nam thường tăng thấp trong quý 1, sau đó gia tăng dần ở quý 2 và bứt phá ở nửa cuối năm. Theo bà Hương, kinh tế Việt Nam năm 2023 vẫn có thể đi theo xu hướng này. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới hiện nay, kinh tế quý 2 chắc chắn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn song kỳ vọng được cải thiện hơn so với quý 1.
“Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng trưởng vượt trội trong 6 tháng cuối năm”, bà Hương nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh khu vực chế biến chế tạo đang gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến tăng trưởng âm. Vì vậy, những động lực còn lại phải tập trung hơn; trong đó cần đưa ngành nông nghiệp, dịch vụ trở thành trụ đỡ cho những ngành khác.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá ở khía cạnh tiêu dùng, động lực xuất khẩu tuy giảm về quy mô nhưng về cân đối vẫn duy trì được thặng dư xuất khẩu với xuất siêu 4 tỷ USD. Đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân tuy bị ảnh hưởng nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng dương. Bên cạnh đó, đầu tư công đóng vai trò rất lớn và Thủ tướng Chính phủ vẫn tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quan tâm đến thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này.
“Đây là giải pháp then chốt trong động lực về đầu tư và tăng trưởng”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
T.H