Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, cuối quý I/2021, có hơn 104 triệu tài khoản thanh toán cá nhân tại các ngân hàng. Đây là các khoản tiền gửi không kỳ hạn đang hoạt động của cá nhân mở tại ngân hàng để sử dụng dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng như dịch vụ thẻ, dịch vụ thanh toán bằng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ngoài thẻ.
Số dư tài khoản thanh toán cá nhân đến ngày 31/3/2021 đã đạt 741.378 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cuối năm 2020. Mức tăng này cũng cao hơn rất nhiều so với tăng trưởng tiền gửi chung của hệ thống (bao gồm cả tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn).
Tiền gửi thanh toán tăng mạnh trong bối cảnh các dịch vụ ngân hàng điện tử, ngân hàng số, ví điện tử,... phát triển mạnh mẽ những năm trở lại đây giúp người dân ngày càng ưa chuộng giao dịch thanh toán điện tử. Ngoài ra, đại dịch Covid-19 cũng có phần nào đó tác động tới thói quen của người dân, chuyển sang thanh toán điện tử thay vì tiền mặt như trước.
Theo Ngân hàng Nhà nước, so với cùng kỳ 3 tháng đầu năm 2020, giao dịch qua kênh Internet 3 tháng đầu năm 2021 tăng 5,9% về số lượng và 28,4% về giá trị; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 78% về số lượng và 103% về giá trị; giao dịch qua kênh QR code tăng tương ứng 83% về số lượng và 146% về giá trị.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chính thức công bố Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với nhiều mục tiêu tham vọng.
Trong đó, NHNN đặt mục tiêu đến năm 2025 tối thiểu 50% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử và tối thiểu 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số (kênh tiếp xúc giữa khách hàng với ngân hàng có kết nối mạng internet). Và đến năm 2030, mục tiêu các con số đều sẽ đạt ít nhất 80%.
Linh An