UBND tỉnh Lào Cai ngày 12/4 đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia, bảo đảm tính liên kết, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh; xác định cụ thể khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.
Quy hoạch tỉnh được lập dựa trên phương pháp tiếp cận tổng hợp, đa chiều, đa lĩnh vực, bảo đảm các yêu cầu về tính khoa học, tính phù hợp, tính thực tiễn và ứng dụng công nghệ hiện đại.
Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu GRDP bình quân đầu người của tỉnh Lào Cai đứng trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có GRDP bình quân đầu người cao của cả nước; thu nhập bình quân đầu người đứng trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao của cả nước; trở thành trung tâm của vùng và cả nước về du lịch, kinh tế cửa khẩu, dịch vụ và công nghiệp chế biến chế tạo. Đến năm 2050, xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh phát triển, là một trung tâm phát triển của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và cả nước; là trung tâm kết nối quan trọng trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh giữa Trung Quốc, Việt Nam, ASEAN và châu Âu với hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại và tích hợp.
Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ: Một trục động lực, hai cực phát triển, ba vùng kinh tế, bốn trụ cột phát triển kinh tế, năm nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, hình thành 1 trục kinh tế động lực dọc sông Hồng, trong đó phát triển trục đô thị: Thị trấn Bát Xát mở rộng, thành phố Lào Cai, thị trấn Tằng Loỏng, thị trấn Phố Lu mở rộng (bao gồm xã Sơn Hà và Sơn Hải), các đô thị mới Bảo Hà - Tân An, Trịnh Tường, Võ Lao.
Trục kinh tế động lực dọc sông Hồng có vai trò liên kết không gian phát triển 2 cực phát triển, 3 vùng kinh tế của tỉnh, kết nối liên tỉnh và kết nối cả nước với vùng Tây Nam Trung Quốc, trên 3 nền tảng kết nối là hạ tầng kinh tế - xã hội, văn hóa lịch sử và doanh nghiệp.
2 cực phát triển là: Cực phía Bắc gồm thành phố Lào Cai, huyện Bát Xát, thị xã Sa Pa, huyện Bắc Hà và một phần huyện Bảo Thắng. Tại đây, tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, đô thị, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp, là khu vực kết nối trực tiếp với vùng Tây Nam Trung Quốc.
Cực phía Nam gồm huyện Bảo Yên, huyện Văn Bàn. Tại đây, phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch, nông - lâm nghiệp, là khu vực kết nối tỉnh với các tỉnh vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ với khu vực ASEAN.
3 vùng kinh tế là: vùng thấp gồm các huyện Văn Bàn, Bảo Yên; vùng cao gồm các huyện: Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương và thị xã Sa Pa, phần phía Tây huyện Bát Xát; vùng trung tâm gồm thành phố Lào Cai, huyện Bảo Thắng, phần hạ huyện Bát Xát theo dọc sông Hồng.
4 trụ cột phát triển kinh tế là: phát triển kinh tế cửa khẩu, dịch vụ; công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch và kinh tế nông - lâm nghiệp - thủy sản. Đây là những ngành có phạm vi ảnh hưởng lớn, giải quyết nhiều lao động, là những ngành có nền tảng phát triển dựa trên tiềm năng vốn có của tỉnh, có điều kiện phát triển bền vững và dài hạn, được hoạch định để trở thành những ngành trụ cột của nền kinh tế tỉnh trong thời kỳ 2021-2030.
Để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ của quy hoạch nói trên, tỉnh Lào Cai đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm; đồng thời xác định 3 đột phá và 6 nhóm giải pháp căn cơ nhằm khai thông điểm nghẽn, tạo động lực bứt phá, không gian mới cho phát triển.
Theo UBND tỉnh Lào Cai, Hội nghị công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là sự kiện rất có ý nghĩa, khẳng định khát vọng, tầm nhìn và mở rộng không gian, chỉ ra các động lực phát triển, để tỉnh khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, vững vàng trên hành trình xây dựng Lào Cai trở thành “Cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc" như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định và theo định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 11 ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Là địa phương thứ 6 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh trong cả nước (5 tỉnh thành khác gồm Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Bắc Giang, Thái Nguyên), Lào Cai thể hiện rất rõ tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm, sự quyết tâm, tập trung sức lực, trí tuệ tập thể của cả hệ thống chính trị trong xây dựng Quy hoạch tỉnh, thể hiện tầm nhìn dài hạn, khát vọng phát triển, vươn lên của tỉnh Lào Cai để trở thành tỉnh phát triển của vùng và cả nước.
T.H