Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2021, tổ chức ngày 31/3/2021, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Quy hoạch điện VIII đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau khi Hội đồng thẩm định Quy hoạch điện VIII bỏ phiếu nhất trí thông qua các nội dung của Quy hoạch.
Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng - Bộ Công thương, Quy hoạch điện VIII trước khi được Bộ Công Thương ký trình Thủ tướng Chính phủ đã được lấy ý kiến rộng rãi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ, ban, ngành, các cơ quan đơn vị liên quan. Đồng thời, Bộ Công Thương đã đăng tải toàn bộ Dự thảo Quy hoạch điện VIII trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương để lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng.
Sau khi nhận được đầy đủ các ý kiến góp ý, Bộ Công Thương đã chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp thu, giải trình và hoàn thiện Đề án Quy hoạch điện VIII. Toàn bộ nội dung chính tiếp thu và giải trình của Bộ Công Thương đã được tăng tải trên Cổng thông tin điện tử vào ngày 17/3/2021 theo quy định.
“Hội đồng thẩm định Quy hoạch điện VIII, do Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 240/QĐ-TTg ngày 24/2/2021 gồm có 30 thành viên (3 ủy viên phản biện và 27 thành viên đến từ các Bộ, ngành), trong đó Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng là Chủ tịch Hội đồng thẩm định. Hội đồng thẩm định đã tổ chức 2 buổi thẩm định do Chủ tich Hội đồng chủ trì. Tại buổi họp lần thứ 2 với sự tham dự của 26 thành viên, các thành viên đã nhất trí thông qua toàn bộ các nội dung của Quy hoạch điện VIII với số phiếu 26/26 (đạt 100%)" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin.
Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Quy hoạch điện VIII được xây dựng bài bản, công phu và đã đạt được nhiều kết quả. Phương án phát triển điện lực đáp ứng được các tiêu chí đặt ra tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như nhiều chỉ đạo quan trọng khác của Đảng và Chính phủ; và đưa ra 3 nhóm cơ chế và 11 giải pháp trên cơ sở rút kinh nghiệm từ những lần xây dựng Quy hoạch điện quốc gia giai đoạn trước để đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai.
Cơ cấu nguồn điện sẽ được phát triển theo hướng đa đạng hơn, dành sự ưu tiên cao cho phát triển năng lượng tái tạo với cơ cấu và sự phân bố hợp lý hơn giữa từng khu vực, từng miền, không phụ thuộc vào bất kỳ một loại hình nguồn điện nào, đồng thời hạn chế tối đa việc phát triển các nguồn điện gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới môi trường, phù hợp với các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong việc chống lại các nguy cơ gây biến đổi khí hậu.
Tính mở và linh hoạt của Quy hoạch điện VIII cũng sẽ là những điểm mới trong cách thức tiếp cận xây dựng Đề án lần này. Yếu tố mở và linh hoạt vừa là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ khi giao nhiệm vụ xây dựng quy hoạch cho Bộ Công Thương vừa là sự tiếp thu những ý kiến đóng góp cũng như từ thực tiễn của quá trình xây dựng và triển khai Quy hoạch Điện VII và Quy hoạch Điện VII điều chỉnh. Do đó, quy hoạch điện VIII chỉ đưa ra danh mục dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư của ngành điện, trong đó tập trung xem xét trong giai đoạn quy hoạch 2021-2030, nhưng có định hướng đến năm 2045.
Riêng đối với năng lượng tái tạo, năng lượng mới, Quy hoạch điện VIII chỉ đưa ra tổng công suất dự kiến phát triển thêm và phân bố không gian theo vùng, địa phương, không đưa tên các dự án cụ thể. Quá trình lựa chọn danh mục các dự án cụ thể sau này sẽ được Bộ Công Thương phối hợp với các địa phương rà soát, nghiên cứu đưa vào Kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau khi Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII được duyệt, quá trình tổ chức lựa chọn nhà đầu tư phát triển dự án sẽ tuân thủ theo các quy định tại Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu bảo đảm tính công khai, minh bạch.
PV