Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ký Quyết định Phê duyệt quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc trong thời kỳ 2021 - 2030, với tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định này nhấn mạnh vào việc mở rộng cơ sở hạ tầng giao thông và trang thiết bị kỹ thuật tại các cửa khẩu biên giới, nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại và giao lưu giữa hai quốc gia láng giềng.
Theo quy hoạch, tỉnh Lào Cai sẽ có 2 cặp cửa khẩu quốc tế được mở, nâng cấp gồm: Mường Khương (Lào Cai) – Kiêu Đầu (Vân Nam); Bản Vược (Lào Cai) – Pả Sa (Vân Nam).
Trong 17 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương được mở thuộc 7 tỉnh, Lào Cai được mở 6 lối thông quan/ đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa gồm: Bản Quẩn – Sơn Yêu thuộc cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ Lào Cai (Lào Cai) – Hà Khẩu (Vân Nam); Na Lốc - Mã Hoàng Pao thuộc cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ Lào Cai (Lào Cai) - Hà Khẩu (Vân Nam); Lồ Cồ Chin – Lao Kha thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Mường Khương (Lào Cai) – Kiều Đầu (Vân Nam); Lũng Pô – Lũng Pô Chải thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Bản Vược (Lào Cai) – Pả Sa (Vân Nam); Y Tý – Ma Ngán Tý thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Bản Vược (Lào Cai) – Pả Sa (Vân Nam).
Ngoài việc mở rộng các cửa khẩu, quy hoạch còn tập trung vào việc phát triển hạ tầng giao thông, kết nối với các cửa khẩu bên kia biên giới. Đồng thời, các tiêu chuẩn quy định tại Nghị định số 34/2023/NĐ-CP của Chính phủ cũng sẽ được đáp ứng thông qua việc đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại.
Dự kiến, việc mở rộng hợp tác thương mại và giao lưu giữa hai quốc gia sẽ mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển kinh tế và xã hội của cả hai bên. Đây cũng được xem là một bước tiến quan trọng trong quá trình thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian tới.
P.V (t/h)