Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo chuyên đề tại Hội nghị sáng 13/1. Ảnh: Quốc hội |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trình bày chuyên đề quan trọng về chủ trương và giải pháp thể chế nhằm thúc đẩy các lĩnh vực này. Ông khẳng định Quốc hội sẽ xem xét, thông qua các dự án luật trọng tâm để hỗ trợ quá trình phát triển, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Việt Nam.
Hệ thống pháp luật liên quan đến khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hiện nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo Chủ tịch Quốc hội, các lĩnh vực này có 4 luật liên quan trực tiếp, bao gồm Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ và Luật Sở hữu trí tuệ, cùng với 12 luật khác và hàng trăm văn bản hướng dẫn liên quan. Về chuyển đổi số, hệ thống pháp luật hiện có 8 luật trực tiếp, cùng 4 nghị quyết của Chính phủ và hơn 160 văn bản hướng dẫn thi hành.
Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, đã có 8 luật mới được thông qua, tập trung vào các vấn đề như xây dựng cơ sở dữ liệu số, cơ chế ưu đãi đặc thù cho khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, cũng như các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho các loại hình kinh doanh mới.
Mặc dù có những bước tiến đáng kể, hệ thống pháp luật hiện hành vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Một số chính sách thiếu sự đồng bộ và thống nhất, dẫn đến hiệu quả không cao. Các cơ chế đầu tư và tài chính chưa thực sự phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp và xã hội tham gia mạnh mẽ hơn vào các lĩnh vực này. Đồng thời, việc phân bổ nguồn lực cho các nhiệm vụ quốc gia còn chậm, quy trình triển khai phức tạp, gây khó khăn trong thực hiện.
Để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy và cải cách mạnh mẽ trong xây dựng pháp luật. Ông cho rằng cần xác định rõ vai trò then chốt của các lĩnh vực này trong chiến lược phát triển đất nước.
Việc cải cách pháp luật cũng sẽ được đẩy mạnh, trong đó ưu tiên tính ngắn gọn, minh bạch và tập trung vào những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sẽ tiếp tục được nghiên cứu, cho phép thử nghiệm các công nghệ mới và mô hình kinh doanh mới, đồng thời linh hoạt điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Cùng với đó, Quốc hội sẽ tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn trong hệ thống pháp luật, đảm bảo sự thông suốt trong các chính sách khuyến khích đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, và phát triển nguồn nhân lực. Các quy định sẽ được điều chỉnh phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc triển khai các dự án quy mô quốc gia.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước; nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng các đại biểu thăm quan các gian hàng công nghệ tại Hội nghị. Ảnh: Như Ý |
Trên cơ sở Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh do Chính phủ trình, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua các dự án luật thuộc sáu lĩnh vực trọng tâm. Đáng chú ý, trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và công nghệ số, sẽ có 8 luật được hoàn thiện. Về đầu tư và tài chính, Quốc hội sẽ rà soát, sửa đổi 12 luật để đảm bảo tính đồng bộ. Các lĩnh vực tổ chức bộ máy, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo cũng sẽ được tập trung với 11 luật cần hoàn thiện.
Trong lĩnh vực doanh nghiệp và thương mại, Quốc hội dự kiến hoàn thiện 3 luật quan trọng, đồng thời xem xét các luật liên quan đến an ninh mạng và môi trường số để bảo đảm an toàn trên không gian mạng. Riêng với chuyển đổi số, ứng dụng khoa học và đổi mới sáng tạo, Quốc hội sẽ đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở pháp lý, hướng tới xây dựng và vận hành các nền tảng như Quốc hội số, Chính phủ số và Chính quyền số.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan trực thuộc sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các bộ ngành để rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật một cách đầy đủ, kịp thời và đồng bộ, đúng theo yêu cầu của Nghị quyết 57.
Đồng thời, Quốc hội sẽ tổ chức phân công rõ ràng để theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra và giám sát quá trình triển khai. Việc này bao gồm đánh giá kết quả đạt được, chỉ ra các vấn đề chưa đáp ứng yêu cầu, từ đó đưa ra giải pháp khắc phục và cá thể hóa trách nhiệm cho từng cơ quan, cá nhân liên quan.
Trước mắt, nhiệm vụ trọng tâm là phối hợp chuẩn bị và tích cực triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, nhằm đáp ứng tiến độ và chất lượng đã đề ra.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh vai trò của Ban cán sự đảng Chính phủ, các bộ ngành trong việc tổ chức đánh giá, tổng kết thi hành, rà soát và kiến nghị sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan. Chính phủ được yêu cầu đôn đốc xây dựng và ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành luật, đảm bảo chất lượng và tiến độ.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hội đồng nhân dân các cấp phối hợp ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn tại địa phương, nhằm khuyến khích nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Các địa phương cũng cần tổ chức giám sát chặt chẽ việc triển khai, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức trên địa bàn.