Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh khẳng định địa phương rất quan tâm đến việc quy hoạch và sẽ quyết tâm sớm hiện thực Quy hoạch.
Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 72/QĐ-TTg ngày 17/1/2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong tương lai. Theo quy hoạch, tỉnh Quảng Nam sẽ sáp nhập huyện Núi Thành với thành phố Tam Kỳ thành đô thị loại I.
“Để thực hiện được mục tiêu phát triển đến năm 2030, có 5 nhóm mục tiêu về: kinh tế; văn hóa - xã hội; môi trường, sinh thái; kết cấu hạ tầng; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; trong đó: mục tiêu về kinh tế với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 8%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt trên 7.500 USD; mục tiêu về kết cấu hạ tầng, với đầu tư Cảng hàng không Chu Lai đạt tiêu chuẩn cảng hàng không quốc tế với quy mô cấp 4F, Cảng biển Quảng Nam đạt tiêu chuẩn loại I tiếp nhận tàu đến 50.000 DWT”, ông Thanh nói.
Tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, được làm rõ qua mô hình cấu trúc: hai vùng, hai cụm động lực, ba hành lang phát triển.
Về hai vùng bao gồm vùng Đông và vùng Tây, trong đó: Vùng Đông gồm các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng ven biển: Là vùng động lực của tỉnh với các ngành kinh tế chủ đạo là kinh tế biển, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp; tập trung các đô thị lớn, trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh.
Tam Kỳ là đô thị trung tâm hành chính, kinh tế, giáo dục, đào tạo; Hội An là đô thị sinh thái - văn hóa - du lịch, giao lưu quốc tế với các sản phẩm đặc sắc có chiều sâu văn hóa; Điện Bàn là đô thị phát triển công nghiệp, khoa học, đổi mới sáng tạo.
Vùng Tây gồm các huyện miền núi: Là vùng bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên; phát triển vùng nguyên liệu lâm sản và dược liệu quốc gia, với sâm ngọc linh là sản phẩm chủ lực để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tự nhiên; kinh tế vườn, trang trại, chăn nuôi; khai thác thuỷ điện, khoáng sản; bảo vệ khu vực biên giới. Đô thị Khâm Đức - Phước Sơn và Thạnh Mỹ - Nam Giang là các đô thị chuyển tiếp, kết nối…
Hai cụm động lực gồm: Điện Bàn - Hội An - Đại Lộc: Là cực tăng trưởng phía Bắc, kết nối với các không gian kinh tế của thành phố Đà Nẵng. Hình thành chuỗi đô thị ven sông, ven biển thông qua các tuyến đường bộ và hệ thống sông Vu Gia, Thu Bồn, Cổ Cò…
Cụm Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh: Kết nối các không gian kinh tế của 3 đơn vị hành chính này thành khu vực phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ logistic cảng biển, hàng không, thương mại, du lịch biển, y tế, giáo dục - đào tạo, đô thị thông minh, trong đó sáp nhập huyện Núi Thành với thành phố Tam Kỳ để phát triển thành đô thị loại I. Chu Lai là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, với hạt nhân là ngành công nghiệp cơ khí ô tô…
Ba hành lang phát triển gồm: Hành lang động lực kinh tế ven biển từ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến ven biển: Tập trung các không gian công nghiệp sinh thái, công nghiệp công nghệ cao, du lịch xanh và chuỗi đô thị sông, biển gắn với cảng biển và Cảng hàng không Chu Lai.
Hành lang dọc đường Đông Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh thuộc không gian phía Tây của tỉnh: Tập trung công nghiệp thuỷ điện, khai thác, chế biến khoáng sản, nông, lâm nghiệp, bảo tồn, phát huy văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số; là cửa ngõ giao thương với các tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Thừa Thiên Huế.
Hành lang dọc quốc lộ 14B và quốc lộ 14E nối lên quốc lộ 14D đến Cửa khẩu quốc tế Nam Giang: Là trục giao lưu với vùng kinh tế Tây Nguyên và Nam Lào - Bắc Campuchia.
Để hiện thực hoá các quan điểm, mục tiêu phát triển của Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; theo đó, cần thực hiện tốt các giải pháp như: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Quảng Nam dựa trên 4 trụ cột chính. Cụ thể là du lịch; công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp năng lượng; thương mại, dịch vụ logistics và nông, lâm nghiệp và thủy sản ứng dụng công nghệ cao.
Hoàn thiện bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; ứng dụng công nghệ số, xây dựng chính quyền số.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và đầu tư công; thu hút các nhà đầu tư chiến lược có khả năng dẫn dắt, hình thành hệ sinh thái các ngành kinh tế trọng điểm.
Xây dựng cơ chế chính sách đột phá để thu hút nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, tăng cường kết nối giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và doanh nghiệp.
Đẩy mạnh hợp tác liên tỉnh với các địa phương lân cận, trong vùng và cả nước trong công tác bảo vệ môi trường.
Thúc đẩy mối liên kết với thành phố Đà Nẵng; liên kết giữa Khu kinh tế mở Chu Lai với Khu kinh tế Dung Quất để hình thành Trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm.
Trọng Tâm