Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Đại Lộc phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp hiện nay đang lập, trình hồ sơ đóng cửa mỏ gồm; Công ty cổ phần 6.3, Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Hiệp Hưng, Công ty TNHH Kim Phú, Công ty TNHH Nhuận Phước, Công ty TNHH Hoàng Ân, Xí nghiệp Hợp tác xã Công nghiệp Xây dựng và Dịch vụ 26.3 Đại Lộc, Công ty TNHH MTV Dịch vụ tổng hợp Thành Tâm, Công ty cổ phần Prime Nam Giang, khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục và triển khai thực hiện hoàn thành công tác đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường trước ngày 30/10.
Trường hợp các đơn vị nào không chấp hành thực hiện việc đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường khu vực mỏ; nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh thống nhất cho UBND huyện Đại Lộc sử dụng số tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của các đơn vị đã nộp để thực hiện công tác đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường và lựa chọn tổ chức có đủ năng lực lập, thực hiện Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản về việc tăng cường công tác quản lý việc ký quỹ, cải tạo, phục hồi môi trường trong lĩnh vực khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Đối với 2 đơn vị khai thác, thu hồi khoáng sản đất san lấp, xây dựng công trình dư thừa trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn huyện Đại Lộc là Công ty TNHH Hưng Lộc Phát, Công ty TNHH MTV TM&DV Thiện Tâm, không thuộc trường hợp phải lập Đề án đóng cửa mỏ, UBND huyện Đại Lộc chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra hiện trạng mặt bằng của dự án và rà soát hồ sơ pháp lý có liên quan để yêu cầu chủ đầu tư dự án và các đơn vị thực hiện đúng theo hồ sơ đã được phê duyệt.
Ngoài ra, UBND tỉnh đề nghị Cục Thuế tỉnh chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ phối hợp với Chi cục Thuế huyện Đại Lộc và các ngành liên quan kiểm tra việc chấp hành thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp thuế trong hoạt động khai thác khoáng sản cát, sỏi tại thôn Vĩnh Phước, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc của Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Nguyên Thịnh Phát; xử lý hành vi vi phạm (nếu có) theo đúng quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, giải quyết hồ sơ, thủ tục đóng cửa mỏ khoáng sản theo thẩm quyền; phối hợp với UBND huyện Đại Lộc và các ngành liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn; không tham mưu giải quyết cấp hoặc gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản đối với các đơn vị không chấp hành việc đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác hoặc vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản theo giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cũng có yêu cầu không giải quyết việc gia hạn, cấp lại Giấy phép khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông Vu Gia, Thu Bồn đối với các giấy phép đã được cấp trên địa bàn các huyện, thị xã Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn và giao cho địa phương rà soát lại, có thể gộp các điểm mỏ nhỏ, gần nhau thành 1 mỏ có quy mô lớn để đề xuất tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản công khai, minh bạch; lập hồ sơ, thủ tục trình UBND tỉnh cấp Giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản theo quy định, đảm bảo ổn định trật tự khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Trọng Tâm