Phú Thọ: Vai trò của Hợp tác xã trong phát triển nông nghiệp, nông thôn

22:03 12/08/2023

Hợp tác xã (HTX) trở thành điểm tựa vững chắc cho kinh tế hộ, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội ở các địa phương.

Sản phẩm mì gạo của HTX mì gạo Hùng Lô, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì có mặt ở nhiều hệ thống siêu thị lớn và xuất khẩu
Sản phẩm mì gạo của HTX mì gạo Hùng Lô, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì có mặt ở nhiều hệ thống siêu thị lớn và xuất khẩu.

Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, toàn tỉnh có 162 HTX có sản phẩm hàng hóa, trong đó 75 HTX đã triển khai sản xuất theo chuỗi giá trị. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 139 sản phẩm OCOP đạt hạng ba sao trở lên, trong đó khu vực HTX có 46 HTX và ba tổ hợp tác với 83 sản phẩm đạt OCOP (chiếm 59,8% tổng sản phẩm OCOP toàn tỉnh), giá trị hàng hóa từ các sản phẩm OCOP tăng lên từ 10 - 15%.

Sản phẩm OCOP của các HTX bước đầu ghi dấu ấn trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, với những nơi sở hữu sản phẩm nông nghiệp đặc sản, bản địa, nhiều HTX đã lựa chọn cho sản phẩm của mình theo hướng đi riêng, đặc thù gắn với Chương trình OCOP để phát huy lợi thế về chất lượng, yếu tố sản xuất, tiêu dùng mang tính văn hóa, truyền thống.

Nhờ phát triển đa dạng các hình thức hợp tác, tăng cường tư vấn hỗ trợ dịch vụ cho thành viên tham gia chương trình OCOP là cơ hội tốt để HTX khẳng định chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất của các HTX, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.

Nhiều sản phẩm của HTX đã và đang được phân phối tại hệ thống các siêu thị, nhà hàng, cơ sở kinh doanh trong, ngoài tỉnh, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực, nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân.

HTX Liên Gia Trang, xã Thụy Liễu, huyện Cẩm Khê chuyên sản xuất các sản phẩm có thế mạnh của địa phương như: Cá thính, rau sắn muối chua, ốc nhồi... Ông Trần Văn Công - Giám đốc HTX cho biết: Việc liên kết sản xuất theo mô hình HTX với các hộ dân sẽ đảm bảo được nguồn nguyên liệu đầu vào, đầu ra ổn định, sản phẩm bán ra thị trường có xuất xứ rõ ràng thông qua truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, HTX có thuận lợi được thành lập tại vùng nguyên liệu có sẵn, nhân lực sản xuất tại chỗ nên tiết kiệm được chi phí và có doanh thu, lợi nhuận ổn định.

Để phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tập thể, các ngành chức năng tiếp tục phối hợp củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động, vai trò của HTX, tổ hợp tác, trong đó phát triển mạnh các mô hình HTX dịch vụ nông nghiệp gắn liền với các sản phẩm ngành nghề nông thôn và sản phẩm đặc trưng có lợi thế của tỉnh.

Ông Nguyễn Quốc Dũng - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ cho biết: Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh có trên 720 HTX, hơn 1.550 tổ hợp tác, trong đó 60% số HTX hoạt động đạt loại tốt, khá, Liên minh HTX tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn sâu rộng về kinh tế tập thể từ cấp tỉnh đến các HTX; phát huy vai trò “cầu nối”, hỗ trợ các HTX tiếp cận với các nguồn tín dụng ưu đãi; đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ các HTX tham gia vào Chương trình OCOP nhằm nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Đồng thời, giúp các HTX củng cố tổ chức, xác định tư cách thành viên, phát huy nội lực, tăng cường năng lực quản trị, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh; xây dựng mô hình liên kết chuỗi giữa các thành viên, giữa HTX với HTX gắn với phát triển sản phẩm chủ lực địa phương, ông Dũng cho biết thêm.

P.V