Mục tiêu chung của chương trình hành động nhằm cải thiện chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nâng cao thứ hạng xếp loại các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) trên bảng xếp hạng quốc gia.
Phấn đấu tăng nhanh số lượng doanh nghiệp thành lập mới; giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; tăng số lượng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có hoạt động đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi xanh và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; giảm chi phí đầu vào và chi phí tuân thủ pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh; giảm rủi ro chính sách; củng cố niềm tin, tạo điểm tựa phục hồi và nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp.
Chương trình hành động đã đưa ra 3 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cần thực hiện là: Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện các dự án đầu tư; nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính và quản lý dự án đầu tư, rà soát, kiến nghị cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số.
Mục tiêu cụ thể trong năm 2024, tổng vốn đầu tư trên địa bàn trong năm đạt từ 50 nghìn tỷ đồng trở lên, trong đó vốn đầu tư FDI đăng ký mới và điều chỉnh, bổ sung trên địa bàn tỉnh quy đổi đạt khoảng 500 - 600 triệu USD.
Phấn đấu đến năm 2025, số lượng doanh nghiệp (lũy kế) trên địa bàn tỉnh có khoảng 11.000 doanh nghiệp, trong đó có trên 220 doanh nghiệp FDI. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp hạng trong nhóm 15/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) duy trì xếp hạng nhóm 15 - 20 của cả nước. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đạt tối thiểu 90%. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) phấn đấu đạt ở nhóm “cao nhất” của cả nước.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị xác định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu; trên cơ sở Chương trình hành động này, xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện của ngành, địa phương mình; cụ thể hóa, tổ chức kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; tăng cường kiểm tra, đôn đốc; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh...
Bên cạnh đó, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tiếp tục phát huy vai trò tập hợp, đoàn kết, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp; chủ động trao đổi, phản ánh với các cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Đồng thời, chủ động triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số, mở rộng thị trường, phát triển nguồn nhân lực,… tương ứng với các nhiệm vụ được giao trong các văn bản pháp luật có liên quan; triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và áp dụng các mô hình chuyển đổi xanh, kinh doanh bền vững.
Quốc Huy