Những người dân tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu theo quy định; được trợ cấp một lần và tử tuất; được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT khi hết tuổi lao động và hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh như những người tham gia BHXH bắt buộc. Đặc biệt, loại hình bảo hiểm này có nhiều ưu việt trong việc giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già, giúp bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống cho mỗi người khi hết tuổi lao động.
Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có trên 32.400 người tham gia BHXH tự nguyện. Đây là năm có số người tham gia BHXH tự nguyện tăng tương đương kết quả của cả giai đoạn (2008 - 2019). Có được kết quả này là nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa BHXH tỉnh với cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan truyền thông tổ chức hoạt động truyên truyền chính sách pháp luật BHXH tự nguyện và gắn với chỉ tiêu thi đua hằng năm.
Mặc dù vậy, số người tham gia loại hình BHXH này chưa nhiều so với tổng số trên 600.000 người, trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh. Với mục tiêu đến hết năm 2021, toàn tỉnh có thêm trên 50.000 người tham gia BHXH tự nguyện, góp phần đạt tỷ lệ bao phủ BHXH trên 32% lực lượng trong độ tuổi lao động. Ngành BHXH tiếp tục chỉ đạo BHXH các huyện, thị, thành phối hợp với Bưu điện tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phù hợp với đối tượng về tính ưu việt của BHXH tự nguyện.
Bên cạnh đó, ngành BHXH tiếp tục phối hợp cùng các sở, ngành liên quan tổ chức đối thoại, trao đổi, tư vấn với người dân. Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng của đội ngũ đại lý thu BHXH ở các xã, phường, thị trấn, hội đoàn thể... Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và hỗ trợ nghiệp vụ, đa dạng hóa các hình thức, phương thức nhận hồ sơ, trả kết quả, thu tiền đóng, chuyển tiền đóng vào quỹ..., tạo thuận lợi, nhanh nhất cho người tham gia bảo hiểm.
Chị Nguyễn Thị Thu ở khu 11, xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy làm nghề buôn bán cây cảnh. Được nhân viên Bưu điện huyện đến tận nhà tuyên truyền, vận động tham gia BHXH tự nguyện để khi hết tuổi lao động có lương hưu, chị Thu đã chủ động đăng ký tham gia. Khi thấy có nhiều lợi ích từ BHXH tự nguyện mang lại, chị đã vận động những người thân trong gia đình tham gia. Đến nay cả gia đình chị đã có 6 người cùng tham gia BHXH tự nguyện.
Chị Thu chia sẻ: Chúng tôi xác định là lao động tự do, mùa vụ, nếu không chuẩn bị cho mình một nguồn thu nhập nhất định thì khi về già sẽ trở thành gánh nặng cho con cái và xã hội. Do đó, chúng tôi đã tiết kiệm từ nguồn thu hằng tháng để đóng BHXH tự nguyện cho cả gia đình, mỗi tháng hơn 1 triệu đồng, sau này không chỉ có lương hưu mà còn có thẻ BHYT
Ông Lương Lê Hoàng - Phó Giám đốc BHXH huyện Thanh Thủy cho biết: Để mở rộng đối tượng tham gia, BHXH huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền; mở rộng, đào tạo, phát triển hệ thống đại lý thu BHXH đến tận xã, thị trấn, khu dân cư; giao chỉ tiêu đến từng đơn vị, cá nhân. Việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH không chỉ đơn thuần là tìm đến nhà gặp gỡ, vận động người dân mà quan trọng hơn là cần hiểu người dân muốn gì, cần gì để cung cấp thông tin, làm thay đổi nhận thức của người dân, khiến họ tin tưởng, cảm thấy thoải mái và yên tâm, tự nguyện tham gia BHXH tự nguyện.
Với những ưu việt của chính sách và sự hỗ trợ của Nhà nước, người lao động khi tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích thiết thực. Việc hiểu rõ những lợi ích của BHXH tự nguyện sẽ giúp người tham gia có niềm tin và gắn bó với loại hình BHXH này. Tuy nhiên, để chính sách BHXH tự nguyện lan tỏa sâu rộng đến với người dân và được người dân ủng hộ, cần sự góp sức, chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia.
PV