Hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đang phải đối mặt với nhiều thách thức do tình hình thế giới phức tạp, khó khăn; hậu quả của dịch COVID-19 để lại khá nặng nề. Đồng thời, sức tiêu thụ của thị trường trong nước và xuất khẩu đều giảm sút; chi phí đầu vào, vận hành, hoạt động, sản xuất đều tăng cao trong khi khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp hạn chế.
6 tháng đầu năm, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp gặp khó khăn về thị trường, giảm sâu so với cùng kỳ. Các chính sách tiền tệ thận trọng, thị trường tài chính, chứng khoán giảm sút từ cuối năm 2022 tác động sâu đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản. Mức độ tiêu dùng thấp giảm dẫn đến nhiều ngành dịch vụ gặp khó.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng của một số ngành hàng truyền thống, sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh giảm so với cùng kỳ như: Ngành sản xuất trang phục giảm 21,4%, dệt giảm 21,9%, da và các sản phẩm có liên quan giảm 17,1%, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 37%, chế biến thực phẩm giảm 27,2%, gạch các loại, xi măng lượng hàng tồn kho lớn...
Dự báo từ nay đến cuối năm hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức, Phú Thọ đang đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.
Tỉnh tiếp tục thực hiện cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, quan tâm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tận dụng cơ hội, tham gia những thị trường giàu tiềm năng cũng như từng bước nâng cao quy mô xuất khẩu thông qua các Hiệp định FTA.
Đặc biệt, thường xuyên nắm bắt những vấn đề vướng mắc của các doanh nghiệp, chủ động điều tiết, ưu tiên cung ứng điện, tín dụng, thuế, thị trường, lao động và các vấn đề có liên quan cho doanh nghiệp sản xuất các nhóm ngành hàng chủ lực, truyền thống, sử dụng nhiều lao động bị suy giảm như dệt may, da giày, chế biến gỗ, giấy… để phục hồi sản xuất.
Ông Đặng Việt Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ cho biết: Sở đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành trong tỉnh đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, khai thác thị trường, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Tăng cường kết nối cung cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa theo phương pháp tổ chức trực tiếp hoặc trực tuyến, giúp doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, việc thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực, 6 tháng đầu năm thu hút được 102 dự án, trong đó 70 dự án DDI, tổng vốn đăng ký trên 2.260 tỉ đồng; 32 dự án vốn FDI, tổng vốn 52,2 triệu USD. Việc thu hút và triển khai các dự án đầu tư đã đóng góp không nhỏ cho phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án, bám sát tiến độ, tháo gỡ khó khăn để các dự án mới đi vào hoạt động sản xuất, đảm bảo công suất và các dự án dự kiến hoàn thành những tháng cuối năm 2023 trong lĩnh vực chế biến, chế tạo nhằm gia tăng năng lực sản xuất, đóng góp thêm năng lực mới cho tăng trưởng. Cùng với đó, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu và sản phẩm, cập nhật thông tin về thị trường thường xuyên cho doanh nghiệp.
Quốc Huy