Phú Thọ: Khó khăn trong ngành chế biến dăm gỗ trên địa bàn tỉnh

19:48 12/06/2023

Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất dăm gỗ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, đầu năm 2023 chứng kiến sự đi xuống cả về sản lượng và giá trị của ngành chế biến dăm gỗ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Huyện Đoan Hùng là địa phương có nhiều cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này với 11 cơ sở (giảm hai cơ sở so với năm 2022). Công ty TNHH Hoa Hùng (khu 6, xã Tiêu Sơn) hoạt động trong ngành chế biến dăm gỗ xuất khẩu từ năm 1990. Bà Nguyễn Thị Hoa - chủ doanh nghiệp cho biết: Sản lượng dăm gỗ những tháng đầu năm 2023 chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái, giá bán cũng giảm từ 30%-50%. Cùng với đó, việc chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà nhập khẩu về chứng chỉ rừng đã gián tiếp làm giảm giá trị sản phẩm dăm gỗ của doanh nghiệp.

Giai đoạn 2021-2022, theo các chuyên gia nhận định, nguyên nhân chính là do việc khan hiếm năng lượng tại Châu Âu đã làm cho mặt hàng viên nén chất đốt phát triển mạnh mẽ. Chỉ riêng tại Phú Thọ, nhiều cơ sở băm dăm hình thành, từ năm 2021-2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đã cấp phép cho 51 cơ sở chế biến dăm gỗ.

Tuy nhiên, một số cơ sở phát triển không kiểm soát, chạy theo lợi nhuận, không quan tâm đến chất lượng sản phẩm là một nguyên nhân chính dẫn đến sự tụt dốc của giá dăm gỗ và ảnh hưởng xấu đến thương hiệu dăm gỗ của Phú Thọ.

Ông Nguyễn Văn Trường - Quản đốc Công ty TNHH Liên doanh Cát Phú Quảng Ninh - Phú Thọ (doanh nghiệp chuyên thu mua dăm để sản xuất viên nén chất đốt) cho biết: “Chất lượng dăm gỗ của Phú Thọ thấp hơn nhiều so với các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Thanh Hóa. Hiện tượng lẫn tạp chất, độ ẩm cao, ẩm mốc, hàm lượng xenluloza thấp khá phổ biến dẫn đến tỷ lệ mùn hóa cao trong thời gian ngắn”.

Nguyên nhân do sự phát triển “nóng” dăm gỗ trong hai năm 2021-2022 đã gây ra tình trạng “khát” nguyên liệu đầu vào, dẫn đến hiện tượng một số người trồng rừng tại các huyện thu hoạch keo nguyên liệu chưa đến tuổi để bán cho các cơ sở chế biến dăm gỗ. Điều này gây bất lợi cho người trồng rừng và giảm giá trị kinh tế của rừng trồng.

Vì vậy, việc tuyên truyền cho người dân các vùng trồng rừng hạn chế tối đa việc thu hoạch keo non để bán cho các cơ sở băm dăm là rất cần thiết. Việc cơ cấu lại, cân đối quy hoạch các cơ sở chế biến dăm một cách hợp lý, hạn chế cấp phép mới cho các cơ sở chế biến dăm thô để dành nguồn nguyên liệu phục vụ cho cơ sở chế biến gỗ sâu là việc làm cấp thiết.

Các doanh nghiệp được cấp phép cũng cần phải đưa ra cam kết “chế biến gỗ theo hướng sử dụng tổng hợp gỗ, đa dạng các sản phẩm bao gồm gỗ nội, ngoại thất, các loại ván thanh, dăm gỗ và viên nén, trong đó các sản phẩm chế biến cao là chủ đạo, hạn chế xuất dăm thô”.

P.V