Phú Thọ: Đẩy mạnh hướng phát triển kinh tế đồi, rừng mang tính bền vững

11:13 02/07/2022

Đối với đặc thù của tỉnh Phú Thọ phát triển kinh tế lâm nghiệp luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong khâu định hướng phát triển kinh tế của tỉnh. Chính vì vậy, hàng năm, các địa phương trong tỉnh luôn tích cực triển khai kế hoạch phát triển lâm nghiệp, tập trung vào trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Đến nay, độ che phủ rừng luôn giữ được ổn định, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái.

 

Kiểm lâm huyện Tân Sơn (Phú Thọ) thường xuyên bám sát địa bàn quản lý, tích cực tuyên truyền, vận động người dân địa phương trồng, bảo vệ và phát triển rừng.
Kiểm lâm huyện Tân Sơn (Phú Thọ) thường xuyên bám sát địa bàn quản lý, tích cực tuyên truyền, vận động người dân địa phương trồng, bảo vệ và phát triển rừng. 

Để cụ thể hóa các kế hoạch của UBND tỉnh đưa ra, UBND các huyện thành thị, các cơ quan chuyên môn đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai kế hoạch phát triển lâm nghiệp, trong đó tập trung vào các chỉ tiêu về trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng; tích cực tuyên truyền, vận động người dân chú trọng đẩy mạnh, phát triển rừng, đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng. Các cơ quan chuyên môn đã chủ động tham mưu và chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng và lựa chọn trồng các loài cây phù hợp với điều kiện địa phương để tăng năng suất, chất lượng rừng trồng… Nhờ đó, năm 2021, diện tích rừng trồng mới ước đạt 9.300 ha, gồm khoảng 9.200 ha trồng rừng sản xuất, còn lại là trồng rừng đặc dụng, phòng hộ; phát triển gần 2.500 ha rừng gỗ lớn, vượt hơn 13% so với kế hoạch; trồng mới trên 1,5 triệu cây xanh phân tán, vượt kế hoạch và bằng 150,1% so với cùng kỳ năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng đạt 39,8%; 4/5 chỉ tiêu về trồng rừng năm 2021 vượt chỉ tiêu giao kế hoạch giao.

Năm 2022, tỉnh Phú Thọ tiếp tục xác định phát triển lâm nghiệp là tiềm năng và lợi thế, trong đó triển khai kế hoạch trồng 10.000ha rừng tập trung; trồng và chuyển hóa 3.000ha rừng cây gỗ lớn; trồng cây xanh phân tán trong các công trình công cộng, ven các tuyến đường giao thông, trong các cơ quan, đơn vị với trên 1,9 triệu cây. Cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp của Chính phủ, tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản, tạo điều kiện nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển lâm nghiệp, mang lại hiệu quả thiết thực. Thực tế cho thấy, các chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp từng bước làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân về bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời khuyến khích được người dân tích cực tham gia trồng rừng. Toàn tỉnh có hơn 140.600 ha rừng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân các địa phương; hình thành được các vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng ổn định để phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến lâm sản.

Ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết: Phát triển kinh tế rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh. Đặc biệt, ngành chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh phát triển khá nhanh, toàn tỉnh hiện có 178 doanh nghiệp, sáu hợp tác xã, 714 cơ sở chế biến gỗ và lâm sản quy mô vừa, khoảng 2.100 cơ sở chế biến gỗ quy mô hộ gia đình. Để phát triển kinh tế rừng bền vững, tỉnh đã đưa ra định hướng tiếp tục cơ cấu lại sản xuất lâm nghiệp, tạo động lực mới cho phát triển lâm nghiệp. Cụ thể, bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có, bảo tồn nguồn gen và đa dạng sinh học của rừng; nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng…

Để thực hiện được điều đó, tỉnh Phú Thọ chỉ đạo trồng rừng sản xuất tập trung, tuyển chọn giống có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ đưa vào sản xuất, đẩy mạnh thâm canh nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng theo hướng phát triển lâm nghiệp đa chức năng...; đẩy mạnh trồng và chăm sóc cây phân tán bình quân trên hai triệu cây/năm, góp phần thực hiện Đề án trồng một tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ. Phát triển diện tích rừng trồng quế 3.000 ha trên địa bàn huyện các Tân Sơn, Yên Lập; phát triển nhóm các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ có thế mạnh như mây tre, dược liệu... với diện tích khoảng 500 ha tại các huyện Tân Sơn, Yên Lập, Thanh Sơn, Hạ Hòa. Phấn đấu đến năm 2030, giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng 2 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020. Thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp; rà soát, hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo động lực cho phát triển lâm nghiệp và phù hợp với điều kiện, định hướng phát triển; rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; khai thác tối đa tiềm năng đất đai theo hướng bảo vệ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông lâm trường sau thu hồi; điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030.

PV