Tình hình kinh tế khó khăn và tỉ lệ lạm phát tăng cao tại các thị trường tiêu thụ dệt may lớn làm cho sức mua các mặt hàng tiêu dùng, trong đó có hàng dệt may giảm đáng kể, ảnh hưởng đến đơn hàng, đơn giá của các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn tỉnh những tháng đầu năm 2023.
Nhằm linh hoạt thích ứng, nhiều doanh nghiệp buộc phải chấp nhận các đơn hàng nhỏ lẻ, tiếp cận các thị trường ngách. Đồng thời cắt giảm lợi nhuận để giảm giá thành, đảm bảo sản phẩm đưa ra thị trường với mức giá có sức cạnh tranh nhất.
Một số doanh nghiệp dệt may tiếp tục gia tăng tính liên kết với các doanh nghiệp khác cùng ngành hàng, nhất là trong cung ứng nguyên liệu đầu vào với sản xuất. Cùng với đó, tăng cường các giải pháp tiết kiệm năng lượng, chi phí, đáp ứng các yêu cầu về môi trường của các đối tác mua hàng.
Thời gian gần đây, ngành dệt may có dấu hiệu phục hồi. Trên địa bàn tỉnh, chỉ số sản xuất công nghiệp sản xuất trang phục tăng 21,36%, dệt tăng 5,15%; sản lượng quần áo may sẵn khoảng chín triệu sản phẩm, lũy kế tám tháng đầu năm đạt trên 65 triệu sản phẩm, bằng 78% so với cùng kỳ năm trước.
Theo nhận định của Bộ Công Thương, từ nay đến cuối năm, lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, nhu cầu tiêu dùng và các hoạt động kinh tế chưa thực sự hồi phục. Vì vậy, nhiều ngành sản xuất, trong đó có dệt may vẫn không tránh khỏi sự tác động.
Công ty TNHH MTV Sơn Hà Phú Thọ (Cụm công nghiệp làng nghề Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy) chuyên sản xuất quần áo phục vụ xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu. Ông Từ Nhân Thụy - Trưởng phòng Kế hoạch Công ty cho biết: “Ngoài những khách hàng, thị trường xuất khẩu truyền thống, Công ty tiếp tục tìm kiếm thị trường mới và nhận cả những mã hàng thị trường nội địa; sắp xếp lao động hợp lý để phát huy tối đa tay nghề, khả năng của người lao động, đáp ứng được sự thay đổi của thị trường và cơ cấu sản phẩm”.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, một số doanh nghiệp cơ cấu lại mặt hàng cùng với đầu tư thêm thiết bị máy móc, công nghệ, đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động. Việc đa dạng hóa sản phẩm và thị trường tiêu thụ sẽ là giải pháp tối ưu để có thể thích ứng trước những biến động nhanh của thương mại toàn cầu.
Đồng thời, các doanh nghiệp phải từng bước chuyển từ gia công sản xuất sang các hình thức đòi hỏi năng lực cao hơn về quản lý chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, thiết kế và xây dựng thương hiệu trên cơ sở công nghệ phù hợp đến hiện đại.
P.V