Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu giải pháp cốt lõi để kiểm soát quyền lực

05:00 09/06/2023

“Tham nhũng tiêu cực là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, muốn chống tham nhũng tiêu cực phải kiểm soát quyền lực. Vậy đâu là giải pháp cốt lõi để kiểm soát quyền lực” - đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh chất vấn Phó Thủ tướng.

Về xử lý tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm được đại biểu Quốc hội nêu ra trong Phiên thảo luận về kinh tế-xã hội, chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thừa nhận, thời gian gần đây, xảy ra tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc; có tâm lý e ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm.

Có trường hợp đẩy việc lên cấp trên hoặc sang các cơ quan khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan, địa phương, chủ yếu trong các lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, mua sắm công, đầu tư, định giá, cung ứng các dịch vụ trực tiếp liên quan đến người dân và doanh nghiệp...

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.

Tình trạng này dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây lãng phí thời gian, nguồn lực, cơ hội phát triển, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, gây cản trở công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; cá biệt có nơi rất trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.

Đề cập đến giải pháp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập, yếu kém nêu trên; quán triệt và tiếp tục thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước.

Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; kiên quyết không để xảy ra việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ, nhất là thanh tra, kiểm tra đột xuất.

“Kịp thời rà soát, xử lý, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với đó, sẽ biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với tổ chức, cá nhân các cơ quan, tập thể, cán bộ, công chức quyết liệt trong thi hành công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, dám nói, dám nghĩ, dám làm, chủ động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) chia sẻ tham nhũng, tiêu cực từng bước được hạn chế. “Tham nhũng tiêu cực là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, muốn chống tham nhũng tiêu cực phải kiểm soát quyền lực. Vậy đâu là giải pháp cốt lõi để kiểm soát quyền lực”, nữ đại biểu chất vấn Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.

Phó Thủ tướng cho biết tổng kết qua 10 năm công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực, có 8 bài học kinh nghiệm, trong đó muốn kiểm soát phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải kiểm soát quyền lực. “Quyền lực luôn có xu hướng bị tha hóa nếu không kiểm soát. Kiểm soát quyền lực giúp loại bỏ kịp thời sai phạm, phát hiện, ngăn ngừa và xử lý nghiêm sai phạm”, Phó Thủ tướng nói.

Nguyên nhân sâu xa của tha hóa quyền lực, Phó Thủ tướng cho rằng xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân, gây suy thoái tư tưởng đạo đức, lối sống, dẫn đến tham nhũng. “Thực tiễn những năm qua cho thấy phải kiểm soát quyền lực với những cơ quan thực hiện quyền lực Nhà nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh phải thiết lập cho được cơ chế kiểm soát quyền lực với người có chức vụ quyền hạn, nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”, ông Khái nhấn mạnh.

Về giải pháp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải hoàn thiện cơ chế xác định quyền hạn của các cơ quan Nhà nước; tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử…

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng phải tăng cường kiểm tra, giám sát thực thi công vụ của người có chức vụ quyền hạn. “Những người có chức vụ, quyền hạn cũng phải tự soi, tự sửa và tự rèn luyện”, ông Khái nói và cho rằng kết kết hợp nhiều giải pháp để kiểm soát quyền lực, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ đạt kết quả tốt hơn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết sau 2,5 ngày diễn ra hoạt động chất vấn, đã có 454 đại biểu tham gia chất vấn, 112 lượt đại biểu thực hiện quyền chất vấn, 49 lượt đại biểu tranh luận làm rõ hơn những vấn đề quan tâm, nâng tổng số đại biểu tham gia chất vấn trong hai năm đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV lên 831 lượt người.

Cùng với 4 Bộ trưởng chịu trách nhiệm trả lời chính, các Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư, NN&PTNT đã tham gia trả lời giải trình, làm rõ thêm các nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn về lao động thương binh xã hội, khoa học công nghệ, giao thông vận tải và dân tộc.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã thay mặt Chính phủ làm rõ hơn những vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội nhận định kỳ chất vấn này được “tận dụng từng phút”, không để lãng phí một phút nào trong thời gian Quốc hội dành cho phiên này.

Các Bộ trưởng dù đã có kinh nghiệm trả lời chất vấn như Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung hay mới tham gia trả lời lần đầu như Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng, đều đã thể hiện bản lĩnh, nắm chắc thực trạng của ngành và lĩnh vực phụ trách, thẳng thắn, không vòng vo né tránh.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng, trưởng ngành đã tham gia giải trình nghiêm túc, làm sáng tỏ nhiều vấn đề.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho biết trong từng lĩnh vực, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, thách thức, cần phải có quyết tâm cao, nhiều giải pháp đột phá, hành động quyết liệt để khắc phục thời gian tới. Sau kỳ họp và phiên họp này, Quốc hội đề nghị Chính phủ cùng các cấp ngành triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn, tạo chuyển biến rõ rệt tại các lĩnh vực.

Linh An