Chiều nay (30/3), sau khi Quốc hội tiến hành miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia đối với bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã trình nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.
Ông Vương Đình Huệ được giới thiệu bầu Chủ tịch Quốc hội. Ảnh: Trần Thường |
Theo tờ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giới thiệu ông Vương Đình Huệ - Bí thư Thành uỷ Hà Nội để bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.
Ngay sau khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình dự kiến nhân sự, các ĐBQH thảo luận tại đoàn trước khi bỏ phiếu kín bầu vào sáng mai (31/3).
Sau khi được bầu, tân Chủ tịch Quốc hội sẽ tuyên thệ.
Ông Vương Đình Huệ sinh năm 1957 tại xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông có học hàm, học vị Giáo sư, Tiến sĩ Kinh tế, nghiên cứu sinh tại Đại học Kinh tế Bratislava, Cộng hòa Slovakia.
Ông từng là giảng viên, rồi Phó trưởng khoa, Trưởng khoa Kế toán, rồi Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội.
Sau đó, rời môi trường giảng dạy, ông được bổ nhiệm làm Phó Tổng Kiểm toán, rồi Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, ông được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Tài chính.
Trong thời gian giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Vương Đình Huệ để lại dấu ấn đậm nét ở cách tiếp cận quản lý giá cả các mặt hàng thiết yếu, vô cùng nhạy cảm vào thời điểm đó: “Giải pháp của mọi giải pháp là công khai, minh bạch” khi trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIII.
Cũng từ quan điểm xuyên suốt này, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã có câu nói nổi tiếng: “Chúng tôi điều hành giá xăng dầu vì trách nhiệm với hơn 80 triệu người dân chứ không vì lợi ích của một bộ phận hay một doanh nghiệp nào cả... Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được Nhà nước...” tại Hội thảo “Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường ở Việt Nam hiện nay”.
Quan điểm này được ông Vương Đình Huệ tiếp tục áp dụng nhuần nhuyễn trong thời gian giữ chức Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ sau này...
Từ tháng 12/2012, ông được Bộ Chính trị phân công giữ chức Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Từ 4/2016, ông là Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (tháng 6/2016).
Tháng 2/2020, Bộ Chính trị điều động, phân công ông tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020.
Tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội tháng 10/2020, ông tái đắc cử Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa XVII nhiệm kỳ 2020-2025.
Khi giữ chức vụ Bí thư Thành uỷ Hà Nội, ông Vương Đình Huệ được đánh giá có phẩm chất chính trị vững vàng, kiến thức chuyên môn phù hợp với yêu cầu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thành phố, nắm vững công tác xây dựng Đảng và quản lý nhà nước ở Trung ương, có uy tín, khả năng quy tụ và đoàn kết nội bộ, có bề dày kinh nghiệm công tác, am hiểu tình hình kinh tế-xã hội của đất nước và Thành phố.
Thời điểm ông Vương Đình Huệ về Hà Nội là thời điểm nhiều công việc lớn, quan trọng, cấp thiết và khó khăn đang rất bề bộn: Vừa phòng, chống đại dịch Covid - 19, chăm lo đời sống nhân dân, giữ vững ổn định xã hội, phát triển kinh tế, văn hoá, hoàn thành kế hoạch năm và kế hoạch 5 năm; vừa phải lo chỉ đạo đại hội đảng bộ các cấp và chuẩn bị về mọi mặt cho Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố...
Tuy thời gian không dài, nhưng Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ được đánh giá đã làm được nhiều việc có hiệu quả, tạo chuyển biến trên thực tế: Hà Nội hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu do Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố đề ra; một số sai phạm kéo dài về trật tự xây dựng, về hạ tầng giao thông, quản lý xã hội... được chỉ đạo giải quyết; Đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng bộ Thành phố thành công tốt đẹp; các chương trình công tác lớn của Thành ủy được khẩn trương thực hiện ngay sau Đại hội; đại địch Covid-19 được kiềm chế...
Ông là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, XIII; Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, XII, XIII; đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV.
Ông Vương Đình Huệ là người được giao chủ trì soạn thảo Luật Kiểm toán năm 2005 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2006) - là Luật Kiểm toán đầu tiên của Việt Nam, thay thế cho Nghị định 70-CP của Chính phủ ban hành ngày 17/7/1994. Với việc ban hành Luật Kiểm toán, cơ quan Kiểm toán Nhà nước chuyển sang trực thuộc Quốc hội, do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
An Nguyên (t/h)