Nửa chặng của năm “bứt phá” 2019

00:00 12/10/2020

Nền kinh tế Việt Nam năm 2019 đã đi được nửa chặng đường, dù có nhiều khó khăn cả bên trong và bên ngoài nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đạt khá. GDP 6 tháng đầu năm 2019 tăng 6,76%, tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng giai đoạn năm 2011-2017. Mục tiêu tăng trưởng đến cuối năm từ 6,6% - 6,9% trong năm 2019 là khả thi.

Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng khá. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kinh tế duy trì đà tăng trưởng khá

Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, nền kinh tế nước ta cơ bản tích cực so với khu vực và thế giới, duy trì được đà tăng trưởng khá. Động lực hỗ trợ tăng trưởng đến từ cả phía cung và phía cầu, trong đó, tiêu dùng cá nhân tăng mạnh, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ tiếp tục phát triển, nông nghiệp dần phục hồi. Cụ thể, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 6,76%, trong đó, quý I tăng 6,82%, quý II ước tăng 6,71%, tuy thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2018 nhưng là mức tăng tích cực so với đầu nhiệm kỳ Chính phủ, cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm 2011-2017. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 2,64% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 3,29%), là mức tăng bình quân 6 tháng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định, nếu không có yếu tố bất thường tác động đến tăng trưởng, dự báo tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt được mục tiêu đã đề ra là 6,8%.

Cũng chia sẻ về những kết quả quan trọng nền kinh tế đã đi qua 6 tháng đầu năm và các thách thức còn lại của nửa cuối năm, GS. Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết: Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp không ít khó khăn và thách thức thì tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đã giảm so với cùng kỳ năm trước là có thể hiểu được, vì mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2018 được coi là khá "đột biến"… Nên mặc dù tăng trưởng có chậm lại nhưng nền kinh tế vẫn chưa được coi là mất "đà" trong xu hướng phục hồi. Ngoài ra, với mức tăng trưởng 6,76%, Việt Nam vẫn là nước có tăng trưởng cao so với các nước trong khu vực.

Các diễn biến kinh tế vĩ mô khác là khá khả quan như lạm phát đang được kiểm soát, lãi suất và tỷ giá khá ổn định, thu hút và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng, hội nhập quốc tế có bước tiến mạnh mẽ,… Xếp hạng tín nhiệm của S&P, Fitch đều nâng hạng là minh chứng khá rõ cho việc đánh giá tình hình ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã có cải thiện. Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định, trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại, với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng, đến mức Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, kinh tế thế giới đang ở thời kỳ “bất trắc cao”, thì mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam như vậy là khá tích cực.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Không lùi bước trước khó khăn

Bên cạnh những điểm sáng, kinh tế Việt Nam có các rủi ro, tồn tại cần lưu ý thời gian tới mà đầu tiên là rủi ro, thách thức từ bên ngoài như kinh tế thế giới nhạy cảm, nhiều rủi ro. Các động lực tăng trưởng chính đang có dấu hiệu chậm lại. Áp lực lạm phát còn hiện hữu. Các hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng tiêu cực đến nông nghiệp. Giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA tiếp tục là điểm nghẽn… Bởi vậy, Thủ tướng đã nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo điều hành nhất quán của Chính phủ: Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức, kiên định với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, phát huy hơn nữa tinh thần vượt khó, đổi mới sáng tạo, chủ động linh hoạt thích ứng với tình hình. Quyết tâm phấn đấu hoàn thành toàn diện kế hoạch 2019 của cả nước và của từng bộ, ngành, từng địa phương, góp phần thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2016 -2020. Dứt khoát không có chuyện điều chỉnh bất cứ một chỉ tiêu nào đã giao…

Ngoài ra, theo một số chuyên gia kinh tế, hiện vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh có dấu hiệu chững lại, khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục gặp nhiều khó khăn và rào cản trong phát triển. Bên cạnh đó, lạm phát và tỷ giá mặc dù nằm trong phạm vi điều chỉnh như dự kiến nhưng đã đương đầu nhiều sức ép. Ngoài ra, dư địa chính sách tiền tệ bị thu hẹp và đặc biệt là rủi ro tài khóa ngày càng gia tăng. Đó là những khó khăn lớn mà nền kinh tế đang phải đối mặt cả trong ngắn hạn và dài hạn…

Các chuyên gia cho rằng, để bảo đảm giữ tốc độ tăng trưởng cao trong cả ngắn, trung và dài hạn, Việt Nam cần dựa vào 3 động lực trụ cột: Phát triển khu vực tư nhân, cải cách thể chế và môi trường kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ và nâng cao năng suất lao động.

Để bứt phá nửa chặng còn lại trong năm 2019, theo GS. Trần Thọ Đạt cần tháo gỡ những "điểm nghẽn" về phía cung, ngành dịch vụ mặc dù dư địa tăng trưởng lớn nhưng 6 tháng đầu năm chỉ tăng trưởng thấp hơn GDP, nông nghiệp tăng trưởng yếu. Về phía cầu, tiến độ giải ngân đầu tư công và vốn ODA vẫn chậm, tăng trưởng xuất khẩu có xu hướng giảm mặc dù hiệp định CPTPP đã có hiệu lực. Trong khi đó Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị Việt Nam cần phải sẵn sàng cho khả năng điều chỉnh chính sách khi mà nhiều rủi ro suy giảm có thể trở thành hiện thực. Việt Nam cần nâng cao chiều sâu của cải cách kinh tế nhằm tăng cường tính bền vững của nền kinh tế.

Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra 6 điểm sáng kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm 2019.

Thứ nhất là GDP quý II và 6 tháng tăng trưởng chưa phải cao nhưng so với các thời kỳ trước, vẫn là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến bất lợi. Con số tăng trưởng GDP 6,76% là kết quả khả quan. Thứ hai là môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, được các tổ chức đánh giá cao. Thứ ba là chính sách tài khóa, tiền tệ, giá cả tiếp tục được điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ, góp phần kiểm soát lạm phát. Thứ tư là thu chi ngân sách diễn biến theo hướng tích cực, lần đầu tiên có số thu 6 tháng đầu năm đạt trên 53% so với dự toán. Thứ năm là các cân đối lớn và ổn định kinh tế vĩ mô được bảo đảm trong bối cảnh thị trường quốc tế nhiều biến động. Thứ sáu là hội nhập quốc tế và đối ngoại đạt nhiều kết quả quan trọng

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung:

Ngay từ đầu năm 2019, Hà Nội đã triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 01 của Chính phủ, cụ thể hóa bằng Chương trình hành động số 12 với 76 nhiệm vụ và Chương trình công tác số 240 với 266 nhiệm vụ. Do vậy, trong 6 tháng đầu năm 2019 các chỉ số kinh tế- xã hội có nhiều khả quan. GRDP tăng 7,21% (cùng kỳ tăng 7,15%)… Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, ứng dụng công nghệ thông tin; chủ động tham gia và nắm bắt cơ hội của cuộc CMCN 4.0 để nâng cao năng suất lao động. Tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và sản phẩm của Thủ đô, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế; phát triển Hà Nội thành trung tâm khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo – TP thông minh.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong:

Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 611.525 tỉ đồng, tăng 7,86%, hoạt động thu ngân sách có hiệu quả, đạt 193.310 tỉ đồng, đạt 48,43% dự toán, tăng 7,04% so với cùng kỳ… UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ sớm thông qua nghị quyết cho phép TP.HCM thực hiện cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn thành phố theo kết luận của Thủ tướng tại thông báo số 189 ngày 16/5/2019. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt đề án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước TP.HCM giai đoạn 2019 - 2020.

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng:

Trong 6 tháng đầu năm, Thành phố Hải Phòng tiếp tục phát triển mạnh và đột phá với GRDP đạt trên 16%, nhiều chỉ tiêu cao hơn 20% so cùng kỳ 2018… Đề nghị Chính phủ phân cấp cho các địa phương chủ động triển khai các công việc như: triển khai sân gôn tại các vị trí không đất lúa, đất rừng; phê duyệt các dự án ngoài ngân sách với tổng mức trên 5.000 tỷ đồng, dự án đầu tư công trên 1.500 tỷ đồng; giao các thành phố lớn chủ động chuyển đổi trên 10ha lúa sản mục đích sử dụng khác; không khống chế diện tích lúa đối với các địa phương có lợi thế lớn về công nghiệp – thương mại. Hỗ trợ đẩy nhanh xây dựng nhà ga T2 tại Cát Bi; giải quyết vướng mắc trong bàn giao quỹ đất cho nhà đầu tư BT đối với dự án sau 1.1.2018….

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Huỳnh Đức Thơ:

Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của TP trong 6 tháng đầu năm nhìn chung đạt khá tốt, trong đó có điểm sáng về thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Cụ thể, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 500 triệu USD, chủ yếu vốn vào lĩnh vực dịch vụ du lịch và công nghệ cao. Tuy nhiên, tổng sản phẩm xã hội của Đà Nẵng 6 tháng qua tăng 6,21% - thấp hơn mức cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân do địa phương tập trung vào công nghệ cao, công nghệ thông tin và hạn chế các lĩnh vực công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đáng nói, năm 2018, Đà Nẵng đã dừng cấp phép cho một số doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm như sản xuất thép, hạn chế khai thác đất đá, quặng… Ngoài ra, Đà Nẵng đang chủ động rà soát tất cả trường hợp liên quan đến các dự án bất động sản sau khi có kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ từ năm 2012… Về lĩnh vực du lịch và hàng không, Đà Nẵng phát triển rất mạnh. Sân bay Đà Nẵng có công suất 8 triệu lượt khách/năm đang phải gánh gấp đôi lượng khách, vì thế, việc mở rộng sân bay là rất cần thiết.

Gia Gia