Thu nhập bình quân của người lao động tăng
Sáng 06/4/2023, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) tổ chức họp báo: Tình hình lao động việc làm quý I năm 2023. Phó Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Trung Tiến chủ trì buổi họp báo.
Tại buổi họp báo, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động cho biết, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I/2023 là 7 triệu đồng, tăng 197 nghìn đồng so với quý trước và tăng 640 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,36 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (8,0 triệu đồng so với 5,9 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,41 lần khu vực nông thôn (8,6 triệu đồng so với 6,1 triệu đồng).
Như vậy, tính chung quý I/2023, thu nhập bình quân của người lao động tăng ở cả ba khu vực kinh tế. Tuy nhiên, sự gia tăng thu nhập của người lao động trong quý này không diễn ra ở tất các ngành kinh tế, trong khi thu nhập bình quân của người lao động một số ngành kinh tế tăng, một số ngành kinh tế khác có sự sụt giảm thu nhập bình quân so với quý trước.
Tổng cục Thống kê cũng cho biết, thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương quý I/2023 là 7,9 triệu đồng/người, tăng 2,6%, tương ứng tăng 204 nghìn đồng so với quý trước. So với cùng kỳ năm 2022, thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương quý I năm 2023 tăng 7,9%, tương ứng tăng 578 nghìn đồng.
Lao động nam làm công hưởng lương có thu nhập bình quân là 8,3 triệu đồng/người, cao hơn 1,14 lần thu nhập bình quân của lao động nữ (7,3 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương làm việc ở khu vực thành thị cao hơn 1,25 lần lao động làm việc ở khu vực nông thôn (8,9 triệu đồng so với 7,1 triệu đồng).
Trong ba khu vực kinh tế, lao động làm việc trong khu vực dịch vụ có tốc độ tăng thu nhập cao nhất. So với cùng kỳ năm 2022, thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc trong dịch vụ là 8,3 triệu đồng, tăng 10,1%, tương ứng tăng 766 nghìn đồng. Lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có thu nhập bình quân là 4,1 triệu đồng, tăng 9,2%, tương ứng tăng khoảng 345 nghìn đồng. Lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 7,9 triệu đồng, là khu vực có tốc độ tăng thấp nhấp trong ba khu vực kinh tế, tăng 9,0%, tương ứng tăng khoảng 655 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.
Xét theo ngành kinh tế, một số ngành kinh tế ghi nhận tốc độ tăng so với quý trước như: lao động làm việc trong ngành khai khoáng có thu nhập bình quân là 10,3 triệu đồng, tăng 6,7%, tương ứng tăng 640 nghìn đồng so với quý trước; thu nhập bình quân tháng của lao động trong ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy là 8,2 triệu đồng, tăng 3,8%, tương ứng tăng 300 nghìn đồng so với quý trước; ngành vận tải, kho bãi lao động có thu nhập bình quân tháng là 9,6 triệu đồng, tăng 2,7%, tương ứng tăng 255 nghìn đồng so với quý.
Kỳ vọng vào chính sách
Tại buổi họp báo, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động cũng cho biết, thị trường lao động quý I năm 2023 tiếp tục duy trì đà phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm quý I năm 2023 tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm trước.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I năm 2023 là 52,2 triệu người, tăng 88,7 nghìn người so với quý trước và tăng hơn một triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I năm 2023 là 68,9%, không thay đổi so với quý trước và tăng 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới là 62,9% và của tỷ lệ này của nam giới là 75,3%.
Số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm quý I năm 2023 là 51,1 triệu người, tăng 113,5 nghìn người so với quý trước và tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,9 triệu người (chiếm 37,0%), tăng 120,9 nghìn người so với quý trước và tăng 386,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, lao động có việc làm ở khu vực nông thôn đạt 32,2 triệu người, giảm 7,3 nghìn người so với quý trước và tăng 726,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý I năm 2023 là khoảng 885,5 nghìn người, giảm 12,4 nghìn người so với quý trước và giảm 443,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, nhìn vào báo cáo của TCTK, tỷ lệ thanh niên 15 - 24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo theo vùng kinh tế - xã hội quý I/2023, duy chỉ có vùng Đồng bằng sông Cửu Long giảm so với quý IV/2022, còn lại đều tăng ở các cùng Trung du miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ.
Đối với câu hỏi của PV Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập về vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động cho biết: Thực trạng trên là biểu hiện của việc thị trường lao động đang còn nhiều vấn đề khi các doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng. Khó lòng dự báo diễn biến các quý tiếp theo của năm 2023 tỷ lệ này có sự biến chuyển tích cực hay không vì phụ thuộc rất nhiều vào chính sách và biến động của thị trường kinh tế thế giới.
Thực tế theo ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động nước ta đang ở giai đoạn có tỷ lệ dân số vàng. Lực lượng lao động dồi dào, cùng với đó tạo ra một thị trường tiêu thụ nội địa rộng lớn với 100 triệu người. Chúng ta cần phải tận dụng hiệu quả thời cơ này để tạo ra sức bật, sự phát triển vượt trội cho nền kinh tế.
Hà Linh