Dù làm gì ở vị trí nào, người lãnh đạo là người đứng đầu và có trách nhiệm chỉ huy trực tiếp tới các công việc liên quan.
Mọi người đều có khả năng lãnh đạo bẩm sinh. Cách chúng ta nuôi dưỡng khả năng đó sẽ quyết định việc chúng ta có trở thành nhà lãnh đạo thành công hay không.
Ngay cả khi bạn không được lớn lên với một khu vườn, bạn vẫn có thể đặt một hạt giống vào một bụi cây nào đó. Và nếu biết cách chăm sóc, sau một vài ngày, bạn sẽ thấy hạt giống chồi lên khỏi mặt đất và trở thành một cái cây có thể phát triển mạnh.
Không ai sinh ra đã là lãnh đạo. Và lãnh đạo không phải là “người khác thường”. Giống như một hạt giống, bản năng lãnh đạo nằm bên trong bạn, chờ đợi sự kích hoạt, nuôi dưỡng và chăm sóc. Việc của bạn là cung cấp sự chú ý đúng thời điểm.
Khi bạn áp dụng các bước dưới đây, kết hợp với những công cụ đi kèm, bạn sẽ sớm phát triển được các kỹ năng để trở thành nhà lãnh đạo truyền cảm hứng cho nhân viên.
Tạo ra một tầm nhìn đầy cảm hứng
Dù bạn là nhà sáng lập công ty, giám đốc điều hành, thành viên ban điều hành doanh nghiệp hoặc nhà quản lý cấp cao, nhiệm vụ của bạn là phải vẽ ra một tầm nhìn đầy cảm hứng cho công ty.
Theo Jim Collins và Jerry Porras - đồng tác giả của quyển sách bán chạy Built to last (Xây dựng để trường tồn), một tầm nhìn có sức ảnh hưởng lớn bao gồm 2 phần: tư tưởng cốt lõi và sự hình dung về tương lai.
Tư tưởng cốt lõi là yếu tố xuyên suốt của doanh nghiệp, là "chất keo" kết dính mọi thứ lại với nhau, bao gồm các giá trị và mục đích cốt lõi của doanh nghiệp. Sự hình dung về tương lai bao gồm những mục tiêu lớn và táo bạo - những kiểu mục tiêu khiến nhân viên cảm thấy hào hứng để làm việc và biến chúng thành hiện thực.
Muốn kích thích tinh thần của nhân viên, điều quan trọng là đưa ra sự mô tả sinh động về việc "thế giới sẽ trở nên như thế nào" nếu doanh nghiệp đạt được những mục tiêu đã đề ra.
Kết nối nhân viên với tầm nhìn của doanh nghiệp
Khi truyền đạt tầm nhìn của doanh nghiệp, hãy giải thích chính xác vai trò của nhân viên đối với quá trình hiện thực hóa tầm nhìn đó.
Chẳng hạn, nếu tầm nhìn của doanh nghiệp là mang nước uống sạch và có lợi cho sức khỏe, tất cả mọi người đều phải biết họ cần phải làm gì và làm như thế nào để đạt được điều đó, từ những trợ lý hành chính, nhân viên thiết kế sản phẩm, nhân viên kinh doanh đến người phụ trách nhân sự.
Khi nhân viên hiểu rõ vai trò của họ đối với quá trình đạt đến tầm nhìn của doanh nghiệp, họ sẽ có cảm giác tự hào và sự kết nối rõ ràng để cùng nhau phấn đấu vì một sứ mệnh chung. Nhiệm vụ của nhà lãnh đạo doanh nghiệp là vẽ ra các "dấu chấm" và sau đó giúp đỡ mọi người kết nối chúng lại với nhau thành một "bức tranh" như mong muốn.
Quản lý tiến độ thực hiện của tầm nhìn đó
Một tầm nhìn không thể tự nhiên thành hiện thực. Mặc dù biết rõ điều này nhưng nhiều nhà lãnh đạo đã mắc phải sai lầm đó là không đưa tầm nhìn đó ra thực tế, cũng như tạo ra các công việc nhằm đạt được tầm nhìn đó.
Để quản lý được tiến độ thực hiện tầm nhìn, bạn cần kết hợp quản lý tốt 2 điều: quản lý dự án và quản lý sự thay đổi. Điều này sẽ giúp bạn thực hiện những thay đổi cần thiết với sự hỗ trợ toàn lực của các thành viên trong đội nhóm.
Làm sáng tỏ từng vai trò, trách nhiệm của từng thành viên, và kết nối chúng với kế hoạch của bạn. Tất cả mọi người đều cần phải thực sự thấu hiểu điều mà họ đang chịu trách nhiệm, và biết cách bạn sẽ định hướng tới thành công như thế nào. Tiếp theo, hãy đặt mục tiêu thông minh, bao gồm mục tiêu ngắn hạn giúp đội nhóm của bạn nhanh chóng đạt được thành quả và có được động lực hành động. Bạn có thể liên kết mục tiêu ngắn hạn với mục tiêu dài hàn của mình bằng cách áp dụng phương pháp quản lý bằng mục tiêu.
Trong cuộc sống đôi khi bạn sẽ thấy dường như mọi chuyện đang vượt qua sức chịu đựng của mình và bạn muốn buông xuôi? Vậy làm sao để thoát khỏi tình cảnh đó và tiếp tục theo đuổi tầm nhìn phía trước? Còn nữa, đội nhóm của bạn sẽ ra sao nếu thấy chính người lãnh đạo của mình bị như vậy? Liệu họ có còn động lực để chiến đấu nữa không? Bạn có thể hình dung ra câu trả lời rồi đúng chứ?
Để có thể theo đuổi tầm nhìn của bạn tới cùng, hãy xây dựng và phát triển tinh thần tự kỷ luật, tự giác, cũng như rèn luyện sức chịu đựng của bạn. Hãy trở thành một tấm gương sáng, mạnh mẽ, bất chấp mọi khó khăn, thử thách để các thành viên trong nhóm noi theo. Có ai mà không cố gắng hết sức khi nhìn thấy người lãnh đạo của mình tràn đầy nhiệt huyết như thế?
Còn điều này nữa bạn cần lưu ý, đó là đừng ngồi một chỗ rồi “chỉ tay năm ngón”. Hãy thử phương pháp quản lý khi đi dạo, đây là một kỹ thuật lý tưởng cho phong cách lãnh đạo chuyển đổi, bởi lẽ nó giúp bạn luôn luôn kết nối với các công việc hàng ngày cũng như cung cấp sự hỗ trợ kịp thời cho đội nhóm của mình. Thử nghĩ xem, điều gì sẽ xảy ra nếu như mọi vấn đề đều được phát hiện và xử lý kịp thời?
Xây dựng "văn hóa dũng cảm"
Nếu nhân viên sợ phạm sai lầm, họ đồng thời cũng sẽ bỏ qua tất cả mọi cơ hội. Ở một khía cạnh nào đó, việc nhận thức được rủi ro là điều tốt, nhưng tình trạng này nếu được khuyến khích đến mức trở thành văn hóa của doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ không đủ khả năng thích ứng với những thay đổi, hoặc thậm chí là biến động lớn của thị trường, và do đó doanh nghiệp sẽ không thể đổi mới được. Hệ quả là doanh nghiệp sẽ bị các đối thủ cạnh tranh vượt qua.
Vì vậy, nhà lãnh đạo cần phải xây dựng "văn hóa dũng cảm" trong công ty bằng cách loại bỏ cảm giác sợ hãi nơi nhân viên. Thay vì né tránh mọi rủi ro, hãy khuyến khích, rèn luyện nhân viên biết cách nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh mới mẻ và giúp họ có sự liều lĩnh nhất định trong quá trình làm việc.
T.H