Những điều thiếu sót cản trở quá trình đi đến thành công của một nhà lãnh đạo

11:35 13/10/2022

Thực tế là, không có doanh nghiệp nào lại muốn có lãnh đạo tồi, bởi vì hậu quả tiêu cực xảy ra luôn tác động trực tiếp đến công ty. Theo thống kê trên Tạp chí Forbes, hơn 80% lãnh đạo và quản lý cấp trung thiếu những kỹ năng lãnh đạo cần thiết để dẫn dắt nhân viên.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Theo thống kê trên Tạp chí Forbes, 60% nhân viên tin tưởng một người lạ hơn là tin sếp, 50% nhân viên nghỉ việc vì người sếp quá tồi, hơn 80% lãnh đạo và quản lý cấp trung thiếu những kỹ năng lãnh đạo cần thiết để dẫn dắt nhân viên.

Và dưới đây là 5 kiểu sếp mà không ai muốn làm việc cùng, và cũng không nên trở thành:

Kiểu sếp thiếu khả năng tự nhận thức

Những lãnh đạo kiểu này sẽ nỗ lực không ngừng để có được vị trí tốt trong bộ máy điều hành cấp cao bằng các ý tưởng xuất sắc cũng như sự đóng góp của mình cho tổ chức. Tuy nhiên, sau khi đã ngồi vào chiếc ghế quản trị, họ lại không thể chèo lái tổ chức một cách hiệu quả vì thiếu khả năng tự nhận thức.

Sếp kiểu này không chỉ không nhận thức đúng về tính cách, cảm xúc, hành động của bản thân mà còn chật vật trong việc xác định rõ suy nghĩ của nhân viên về mình. Do thiếu khả năng tự nhận thức, sếp kiểu này cũng không thể nhìn ra điều gì "đã làm được" và "chưa làm được" trong cách thức lãnh đạo của bản thân.

Chỉ người sở hữu khả năng tự nhận thức mới có thể hiểu từng hành động của mình sẽ hỗ trợ hay làm tổn thương cấp dưới và điều bản thân có thể cải thiện để lãnh đạo hiệu quả hơn là gì.

Một ví dụ cho kiểu sếp này là Adam Neumann - nhà sáng lập, cựu CEO WeWork. Trên thực tế, Neumann vô cùng xuất sắc trong việc chinh phục nhà đầu tư với các ý tưởng táo bạo, giúp WeWork huy động được hơn 10 tỷ USD từ SoftBank. Song, Neumann lại thiếu khả năng tự nhận thức để có thể dẫn dắt tổ chức của mình một cách hiệu quả. Thay vào đó, nhà sáng lập này lại gây tác động tiêu cực đến nhân viên và đẩy WeWork lâm vào cảnh khó khăn trong giai đoạn IPO vào năm 2019 do cách quản trị thất thường của mình.

Không tuân thủ quy tắc

Theo bà Amy Morin- giảng viên Tâm lý học tại ĐH Northeastern (Mỹ), những lãnh đạo quá yêu bản thân sẽ luôn cố cho mọi người thấy rằng những quy tắc không áp dụng cho họ. Mục tiêu của điều này là nhằm nhắc nhở nhân viên họ là cấp trên và được hưởng nhiều đặc quyền hơn.

Ví dụ, kiểu sếp này có thể cho nhân viên đặt phòng để họp, nhưng người này sẽ đuổi nhân viên ra ngoài khi cho rằng cuộc họp của anh ta/cô ta quan trọng hơn.

Tương tự, lãnh đạo ái kỷ không cho phép nhân viên làm việc tại nhà, nhưng họ sẽ ở nhà làm việc bất cứ khi nào họ cảm thấy thích.

Phong cách lãnh đạo “chỉ biết khen”

Đây là kiểu lãnh đạo “tồi” quan tâm quá mức đến việc giữ gìn hoà khí. Người sếp theo phong cách này không đưa ra được những nhận xét, đánh giá thật lòng và khách quan mà lúc nào cũng cố gắng tử tế nói lời tích cực. Nguyên nhân là vì người sếp quá xem trọng cảm xúc của con người (hơn hiệu quả công việc). Họ lo lắng thái quá tới bầu không khí chung, dẫn đến xu hướng né tránh xung đột. Kiểu lãnh đạo này thường phổ biến trong các công ty gia đình, vốn rất xem trọng các mối quan hệ.

Thực tế, nhân viên dưới quyền nhà lãnh đạo theo phong cách này sẽ thường xuyên nhận được những nhận xét như “Làm tốt lắm”, và ít khi bị phê bình thẳng thắn. Họ sẽ không nhận được các đánh giá khách quan để có cơ hội sửa chữa sai lầm, cải thiện năng lực.

Vả lại, việc luôn bận tâm đến chuyện người khác nghĩ gì hay cảm thấy ra sao dễ khiến nhà lãnh đạo đánh mất sự minh mẫn. Khi tổ chức gặp phải khủng hoảng hay cấp dưới cần đến những chỉ thị rõ ràng, chính xác thì dù nhà lãnh đạo có dễ mến đến đâu chăng nữa, sẽ chỉ khiến mọi người mất phương hướng. Sau cùng, thất bại là điều khó tránh khỏi.

Kiểu sếp chỉ đi tìm vinh quang

Kiểu sếp này xác định giá trị của bản thân dựa trên số tiền họ kiếm được, số bài báo tích cực về họ và số danh hiệu nổi bật mà họ có thể tích lũy. Họ ưu tiên danh tiếng và tài sản cá nhân hơn là xây dựng các tổ chức có giá trị lâu dài và không bao giờ thực sự hài lòng với những gì mình có, George nhận xét.

Một ví dụ là Greg Lindberg - nhà sáng lập Global Growth. Ban đầu, Lindberg triển khai chiến lược mua lại các doanh nghiệp bị phá sản và tăng doanh thu cho chúng. Chưa thoả mãn, ông tiếp tục mua lại các công ty bảo hiểm để hưởng lợi từ việc sở hữu tài sản vay cho các doanh nghiệp mà bản thân đang điều hành. 

Năm 2020, Lindberg bị kết án hơn 7 năm tù vì tội hối lộ và âm mưu lừa đảo qua đường dây điện tử, sau khi cố gắng hối lộ ủy viên bảo hiểm của bang Bắc Carolina để "lách luật" theo hướng có lợi cho các phi vụ của mình.

Kiểu sếp thích một mình

Người thích một mình được nhắc đến ở đây không phải người hướng nội, mà là những người thích làm mọi thứ một mình, và thường từ chối nhận lời khuyên hay phản hồi từ bất cứ ai, dù đó là nhân viên, thành viên hội đồng quản trị hay cố vấn. Kết quả, họ dễ mắc sai lầm và khiến tổ chức thất bại, George nhận xét.

Một ví dụ là Dick Fuld - cựu CEO của Lehman Brothers, ngân hàng lớn thứ 4 của Mỹ trước khi phá sản. Năm 2008, các cộng sự của Fuld cũng như Hank Paulson - Bộ trưởng Tài chính Mỹ lúc bấy giờ, đã nhiều lần cảnh báo ông về những rắc rối mà Lehman Brothers đang gặp phải, nói rằng ngân hàng cần được tái cấp vốn, hoặc về cơ bản thay thế khoản nợ đang gánh bằng nhiều vốn hơn. Thế nhưng, Fuld - kiểu sếp có xu hướng thích một mình, đã không lắng nghe và rồi thất bại, kéo theo việc Lehman Brothers phải đệ đơn phá sản vào năm 2008.

T.H