Những cổ phiếu ngành nào mà nhà đầu tư nên nắm giữ trong tháng 3/2021?

11:08 07/03/2021

Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) khuyến nghị nhà đầu tư nên nắm giữ Cổ phiếu ngành dầu khí, thép và phân bón trong tháng 3/2021

(Ảnh: Internet)

VDSC cho rằng VN-Index sẽ phải “vật lộn” với mốc 1.200 điểm trong ngắn hạn bởi các vấn đề từ nội tại của thị trường cũng như rủi ro khởi phát lạm phát toàn cầu. Tuy vậy, những rủi ro đã được nhận biết từ trước sẽ không phải là rủi ro quá lớn.

VDSC bảo lưu quan điểm lạm phát năm 2021 của Việt Nam sẽ được kiểm soát ở mức 3,5% và chính sách tiền tệ vẫn được duy trì ổn định để hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế. Do vậy, VN-Index sẽ chinh phục thành công ngưỡng 1200 điểm trong các tháng tới, và những đợt điều chỉnh mạnh của thị trường sẽ là cơ hội để tích lũy cổ phiếu.

Ý tưởng đầu tư trong tháng 3 của VDSC bao gồm những doanh nghiệp có thể hưởng lợi trực tiếp từ xu hướng tăng của giá hàng hóa hoặc thông qua khả năng điều chỉnh giá bán tăng tương ứng hoặc hơn mức tăng của giá nguyên vật liệu đầu vào, thuộc các ngành dầu khí, thép và phân bón.

Trước diễn biến tăng mạnh của giá thép, VDSC tin rằng hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh thép sẽ được hưởng lợi. Trong đó, ưa thích HPG và SMC.

HPG – GMT: 51.000 VND (+11% tính tại ngày 4/3/2021). HPG được dự báo sẽ tăng gần gấp 3 lần lợi nhuận trong Q1-2021 (+172% YoY), lên khoảng 6.200 tỷ đồng.

Diễn biến tích cực của giá thép và sản lượng tiêu thụ các loại mặt hàng là những động lực hỗ trợ chính. Giá thép cán nóng đã tăng mạnh vì thiếu hụt nguồn cung trong khi nhu cầu lại rất dồi dào từ các công ty sản xuất tôn mạ để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu.

Điều này cho phép HPG hưởng mức biên gộp ở mức khoảng 26%-28% đối với các sản phẩm thép cán nóng. Cùng với tăng trưởng về sản lượng lên mức 730 nghìn tấn, mảng này có thể đóng góp khoảng 30% vào tổng lợi nhuận gộp của công ty trong Q1-2021.

Bên cạnh đó, sản lượng thép xây dựng các loại tăng trưởng 12,5% YoY đạt 1,16 triệu tấn, nhờ sản lượng phôi thép dồi dào từ hai lò cao mới tại Dung Quất.

SMC – GMT: 30.200 VND (+16% tính tại ngày 4/3/2021). LNST Q1-2021 của SMC nhiều khả năng sẽ vượt mức kế hoạch cả năm là 160 tỷ đồng nhờ hưởng lợi từ xu hướng tăng giá thép cán nóng và lượng hàng tồn kho đã tích lũy trong Q1-2021. Dự phóng LNST năm 2021 cũng được điều chỉnh lên gần gấp đôi từ 176 tỷ đồng lên 340 tỷ đồng (tăng 13% YoY).

Đối với ngành dầu khí, giá WTI đã tăng liên tục từ đầu T10-2020, +63% lên mức 65 USD/thùng vào cuối T2-2021, chủ yếu do (1) tiến độ triển khai tiêm vắc xin toàn cầu tạo niềm tin nhu cầu di chuyển và hoạt động công nghiệp sẽ sớm sôi động trở lại và (2) các nước OPEC tuân thủ kế hoạch cắt giảm sản lượng và Saudi Arabia thậm chí tự nguyện cắt giảm thêm 870.000 thùng/ngày.

Chuyên viên ngành kỳ vọng xu hướng này sẽ duy trì cho tới hết Q2-2021, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị của ngành dầu khí hưởng lợi, và có thể vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm (xây dựng dựa trên kịch bản giá dầu ở mức 45 USD) ngay trong Q1-2021.

Các doanh nghiệp có tồn kho như BSR và PLX hưởng lợi nhờ độ trễ của giá vốn trong giai đoạn giá đầu ra tăng mạnh. Ngoài ra, GAS nhiều khả năng sẽ cải thiện lợi nhuận trong ngắn hạn khi giá bán khí (neo theo giá dầu) tăng cũng giúp các mỏ khí có giá miệng giếng thấp.

Trong ngành phân bón, VDSC ưa thích DPM (GMT: 21.700 VND (+18% tính tại ngày 4/3/2021)). Giá bán phân bón tăng mạnh trong các tháng đầu năm (hình 4) sẽ thúc đẩy mạnh mẽ lợi nhuận Q1-2021. Ước tính giá bán trung bình phân ure trong nước trung bình tháng 2 đã tăng 30% so với trung bình Q4-2020, 23% so với T2-2020 và 32% so với trung bình cả năm 2020.

Trong khi đó, công ty cũng đã chủ động dự trữ thành phẩm trong Q4-2020 giúp giá vốn hàng bán trong Q1-2021 ít chịu tác động từ giá khí đầu vào (đã phục hồi mạnh 25% trong hai tháng đầu năm. Doanh thu và lợi nhuận của DPM trong năm nay ước đạt 2.788 tỷ đồng và 306 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 50% YoY và 163% YoY.

PV