Bứt tốc từ quý đầu năm, nhiều doanh nghiệp lãi lớn
Năm 2023 được coi là một năm khó khăn bủa vây đối với ngành dệt may khi đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng, công nhân giảm giờ làm, nhà máy giảm công suất, thậm chí đóng cửa là chuyện đang diễn ra từng ngày.
Thế nhưng từ nửa cuối năm 2024, tình hình đã cải thiện đáng kể khi doanh nghiệp tranh thủ được một lượng đáng kể đơn hàng dịch chuyển về từ Bangladesh trong năm 2024 (do đất nước này gặp khủng hoảng chính trị). Cả năm 2024, xuất khẩu toàn ngành dệt may Việt Nam về đích với 44 tỷ USD, tăng gần 11% so với năm 2023, đứng thứ hai toàn cầu, vượt qua Bangladesh và chỉ đứng sau Trung Quốc.
![]() |
Nguồn: Cục Hải quan. |
Thành tích này tiếp tục được nối dài sang quý đầu năm 2025. Trong quý I/2025, ngành dệt may có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 8,6 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2024. Tình hình đơn hàng khởi sắc ngay từ đầu năm là động lực chính giúp ngành đạt mức trưởng 2 con số. Hiện nay, các doanh nghiệp ngành sợi đã ký kết được các đơn hàng đến tháng 5/2025. Nhiều doanh nghiệp đã nhận đủ đơn hàng đến hết quý II năm nay và đang thương thảo cho quý III.
Theo báo cáo sơ kết quý I/ 2025, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex)doanh thu hợp nhất đạt 4.417 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 271 tỷ đồng, tăng 165% so với quý I/2024.
Sự tăng trưởng này đến từ việc các doanh nghiệp ngành sợi đã cắt lỗ và bắt đầu có lợi nhuận. Đồng thời, các đơn vị ngành may mặc đều có kết quả sản xuất kinh doanh tốt, với hầu hết các đơn vị ngành sợi có đơn hàng đến tháng 5/2025. Tuy nhiên, trong quý I, các đơn hàng có xu hướng đẩy nhanh tiến độ giao hàng để hạn chế tác động nếu có của chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump.
Theo các chuyên gia, ngành may mặc trong nước đang chứng kiến sự gia tăng các đơn hàng xuất khẩu vào năm 2025, nhờ triển vọng kinh tế tích cực và lợi thế cạnh tranh, đưa đất nước trở thành một nhân tố chủ chốt trên thị trường toàn cầu.
Bên cạnh đó, việc tham gia 17 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã giúp Việt Nam mở rộng cánh cửa thị trường, tạo thuận lợi về thuế quan và củng cố nền tảng để ngành dệt may đạt mục tiêu xuất khẩu 48 tỷ USD trong năm 2025.
Bức tranh khởi sắc này cũng được thể hiện rõ nét tại CTCP May Sông Hồng (Mã: MSH)- một trong những đơn vị có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cao nhất ngành, lên tới 80%. Công ty có danh mục khách hàng vững chắc bao gồm Walmart, Nike, Target và Haddad Brands. Doanh thu thuần của doanh nghiệp này trong quý I đạt hơn 1.017 tỷ đồng, tăng gần 34% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 86 tỷ đồng, gấp rưỡi so với quý I/2024.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, quý I/2025 công ty ký được nhiều đơn hàng nên doanh thu tăng. Đồng thời, công ty tiết kiệm chi phí nên lợi nhuận tăng so với cùng kỳ.
Một điểm sáng khác trong ngành là CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Mã: TCM). Trong quý đầu năm nay, công ty ghi nhận doanh thu tăng 8% so với cùng kỳ, lên gần 1.011 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 79 tỷ đồng, tăng 26%.
Cuối quý I, ông Trần Như Tùng 0 Chủ tịch HĐQT TCM - cho hay, doanh nghiệp đã tiếp nhận khoảng 86% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý II. Đồng thời đã và đang tiếp nhận đơn hàng cho quý III/2025.
Tuy vậy, trước bối cảnh chính sách thuế quan của Mỹ có thể tiếp tục biến động khó lường, TCM đã chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường. Trong đó đẩy mạnh tìm kiếm và mở rộng thị trường sang các nước EU, thị trường CPTTP, Trung Đông, Nam Mỹ… để bù đắp cho việc thiếu hụt đơn hàng do việc áp thuế quan từ Mỹ.
CTCP Sợi Thế Kỷ (Mã: STK)là một công ty dệt may tập trung vào các sản phẩm sợi polyester. Các sản phẩm chính của công ty là sợi DTY, FDY và POY nguyên sinh và tái chế. Sợi Thế Kỷ hiện đang vận hành hai nhà máy sợi tại TP HCM và Đồng Nai, với tổng công suất 63.000 tấn/năm. Ngoài ra, Sợi Thế Kỷ là công ty duy nhất trong khu vực ASEAN hợp tác chiến lược với Unifi Inc để phát triển các loại sợi tái chế và sợi giá trị cao.
Trong quý đầu năm, doanh thu thuần tăng tới 42% lên 376 tỷ đồng. Nhờ tiết kiệm các chi phí, công ty lãi sau thuế gần 36 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với con số 700 triệu đồng cùng kỳ.
Tổng Công ty May 10 (Mã: M10) cũng có một quý kinh doanh “thuận lợi” khi doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng hai chữ số, lần lượt 14% và 18%. Hiện May 10 tiếp tục mở rộng cả thị trường xuất khẩu lẫn nội địa. Bên cạnh các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, Công ty sẽ tập trung khai thác các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Trung Quốc và một số thị trường châu Á khác.
Ngược lại, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Dệt may TNG – Mã: TNG)lại có kết quả kinh doanh quý I/2025 "khiêm tốn" hơn các doanh nghiệp còn lại. Lợi nhuận sau thuế tại công ty này chỉ tăng nhẹ 1% lên 43 tỷ đồng dù doanh thu nhảy vọt 31%, đạt hơn 1.500 tỷ đồng. Tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ hiện chiếm khoảng 26%.
![]() |
Một số công ty dệt may cải thiện mạnh biên lợi nhuận trong quý đầu năm 2025. Nguồn: Tổng hợp từ BCTC |
Trong báo cáo Triển vọng ngành dệt may năm 2025, SSI Research nhận định, năm nay các công ty dệt may sẽ trở lại mức tăng trưởng CAGR (tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm) trung bình từ 13 - 15% như trong giai đoạn 2015 - 2019.
Trước đó, giai đoạn 2019 - 2023, ngành dệt may ghi nhận mức tăng trưởng từ âm đến đi ngang, do nhu cầu toàn cầu sụt giảm đáng kể do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Tăng trưởng doanh thu trong năm 2025 dự kiến sẽ được thúc đẩy nhờ tăng trưởng sản lượng, thay vì nhờ giá bán, khi người tiêu dùng vẫn chú trọng vào giá trị.
Bên cạnh cơ hội gia tăng đơn hàng, doanh thu, các doanh nghiệp dệt may cũng đối mặt với thách thức, trong đó đến từ áp lực cạnh tranh về giá và chi phí vận chuyển. Bởi, chi phí vận chuyển biến động tăng ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp (dự kiến chi phí vận chuyển có thể tăng 10 - 15% so với cùng kỳ trong năm 2025).
Mới đây, Trung Quốc và Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại thuế quan tạm thời trong 90 ngày. Quyết định giảm mạnh thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc này đã tạo ra hiệu ứng tức thì trên thị trường vận tải biển. Số lượng đơn đặt hàng từ quốc gia này đã tăng vọt gần như ngay lập tức, kéo theo sự tăng mạnh của giá cước vận tải biển trên các tuyến thương mại chính.
Nhiều chỉ số theo dõi giá cước trên tuyến thương mại xuyên Thái Bình Dương đang ghi nhận mức tăng đột biến. Theo chỉ số cước vận tải container Thượng Hải (SCFI) công bố vào ngày 16/5, chi phí vận chuyển từ Thượng Hải đến các cảng bờ Tây nước Mỹ đã tăng 32% so với tuần trước, đạt 3,091 ISD cho mỗi container 40 ft. Tuyến đường từ Thượng Hải đến bờ Đông nước Mỹ cũng chứng kiến mức tăng đáng kể 22% so với tuần trước, lên 4.069 USD.
Chỉ số Container Thế giới (WCI) của Drewry cũng phản ánh xu hướng tương tự. Các chuyến hàng hàng tuần từ Thượng Hải đến New York có tốc độ tăng trưởng cao nhất với 19%, đạt 4.350 USD cho mỗi container 40 feet. Trong khi đó, các tuyến xuyên Thái Bình Dương đến Los Angeles tăng 16%, lên trung bình 3.136 USD.
Những con số này đã thúc đẩy tổng WCI tổng hợp trên 8 tuyến thương mại Đông-Tây chính tăng 8% so với tuần trước, đạt 2.233 USD cho mỗi container. Chỉ số này cao hơn 57% so với mức trung bình 1.420 USD vào năm 2019 (trước đại dịch).
![]() |
Chỉ số Container Thế giới (WCI) của Drewry bất ngờ tăng vọt trong một tuần trở lại đây. (Nguồn: Drewry). |
Dệt may là một trong những ngành được đánh giá nhạy cảm nhất với chính sách thuế quan tiềm ẩn của Tổng thống Donald Trump, do Mỹ hiện là thị trường chiếm hơn 40% kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam và Việt Nam hiện là đối tác xuất khẩu hàng dệt may lớn số 2 của Mỹ.
Tại Hội thảo chuyên đề tháng 5 của Vinatex diễn ra tuần trước, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex - nhận định, từ nay đến ngày 10/7, Mỹ có thể ban hành một số chính sách thuế đối ứng tạm thời dành cho Việt Nam, song vẫn cần chờ kết quả đàm phán từ phía Bộ Công Thương và Chính phủ.
Ở góc độ tích cực, ông cho biết tồn kho hàng hóa tại Mỹ hiện đang ở mức thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn hàng dệt may trong quý III/2025 tiếp tục khởi sắc. Tuy nhiên, bước sang quý IV, đơn hàng có thể giảm khoảng 10% do nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ được dự báo sẽ giảm 5% trong cả năm 2025.
Mặt khác, các cuộc đàm phán thuế quan hiện nay đang được triển khai theo từng nhóm mặt hàng, điều này mở ra cơ hội nhất định cho ngành dệt may Việt Nam nếu tận dụng kịp thời.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi nêu trên, ngành dệt may Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít thách thức: Môi trường thương mại vẫn tiềm ẩn nhiều bất định; sức tiêu thụ tại các thị trường lớn như Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn ở mức yếu, chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt. Ngoài ra, việc tăng giá điện từ ngày 10/5/2025 tiếp tục gây sức ép lên chi phí sản xuất, đặc biệt với doanh nghiệp ngành sợi – vốn chịu ảnh hưởng lớn từ giá đầu vào.