Nhìn lại năm bết bát và thất thu của hai “ông lớn” sản xuất máy bay

05:15 26/01/2021

Việc khách hủy đơn hàng quá ít, thêm vào đó hàng loạt hãng hàng không hoãn nhận máy bay đã đẩy Boeing và Airbus lâm vào khủng hoảng tài chính, buộc phải giảm sản lượng và sa thải hàng nghìn nhân viên.

Đồng loạt hủy đơn và hoãn nhận hàng

Đại dịch ovid-19 đã buộc nhiều quốc gia trên thế giới phải ban bố lệnh hạn chế đi lại. Điều này khiến nhân viên của các hãng hàng không không thể tới Mỹ và châu Âu để nhận hàng, kéo theo việc các hãng hàng không đồng loạt hoãn đơn hàng, hoãn nhận máy bay theo đơn đã đặt.

Boeing tồn kho 35 máy bay thân rộng 787 Dreamliner, 777 và 747
Boeing tồn kho 35 máy bay thân rộng 787 Dreamliner, 777 và 747. (Ảnh: minh họa)

Lẽ dĩ nhiên, điều này khiến hai tập đoàn sản xuất máy bay Boeing và Airbus cũng như nhiều nhà cung cấp khác lâm vào khủng hoảng tài chính.

Phân tích dữ liệu giao hàng của Boeing - Tập đoàn hàng không số 1 thế giới và cũng là hãng chế tạo máy bay lớn nhất thế giới (có tổng hành dinh tại Chicago, Illinois, Mỹ) cho thấy, quý II/2020, Boeing chỉ giao được 20 máy bay, giảm từ 90 chiếc so với cùng kỳ năm ngoái. Cần nói thêm rằng đây là mức giao thấp nhất kể từ năm 1963.

Quý II, Airbus giao 74 máy bay, giảm từ 227 chiếc cùng kỳ năm trước. Trong số những máy bay chưa được giao của Airbus có 4 chiếc của Delta Air Lines Inc, theo hãng tư vấn Ascend by Cirium. Hãng hàng không Delta trước đó tuyên bố sẽ không nhận máy bay mới trong năm 2020.

Một số khách hàng của Boeing và Airbus thậm chí đã hủy toàn bộ đơn hàng. Hồi tháng 6, hãng hàng không Norwegian Air Shuttle (Na Uy) tuyên bố hủy hợp đồng mua 5 chiếc 787 Dreamliner và 92 chiếc 737 Max của Boeing.

Theo Ascend by Cirium, tính tới đầu tháng 7/2020, Boeing tồn kho 35 máy bay thân rộng 787 Dreamliner, 777 và 747 - các máy bay thường được dùng cho những chặng quốc tế. Trước khi tuyên bố cắt sản lượng hồi tháng 4, nhà sản xuất Mỹ xuất xưởng 14 chiếc Dreamliner và 5 chiếc 777 mỗi tháng. Khi các nhà máy chật chỗ, hãng này bắt đầu đưa một số máy bay tới đỗ tại một sân bay ở Victorville, California.

Hãng cho thuê máy bay Air Lease Corp. (Mỹ) cũng có hai chiếc 787 Dreamliner đang nằm ở bãi đỗ của nhà máy Boeing tại bang South Carolina chờ bàn giao cho hãng hàng không China Southern Airlines (Trung Quốc). CEO John Plueger của Air Lease cho biết việc bàn giao bị hoãn lại do lệnh giới hạn đi lại bởi các hãng bay không muốn nhân viên bị cách ly hàng tuần sau khi đến Mỹ nhận hàng.

Được biết, từ hồi đầu tháng 7/2020, Airbus cũng đã phải khẩn trương thực hiện kế hoạch giảm thiểu thiệt hại khi đại dịch Covid-19 đã làm sụt giảm đến 40% hoạt động kinh doanh máy bay phản lực trị giá gần 62 tỉ USD.

Áp lực tài chính, sa thải hàng loạt

Theo các nhà phân tích, trong khi không giao máy bay để nhận thanh toán, Boeing và Airbus vẫn không thể dừng “đốt” hàng tỷ USD chi phí. Điều này đẩy họ vào cảnh khủng hoảng. Áp lực lan sang các nhà cung cấp như hãng sản xuất động cơ máy bay General Electric Co. Cũng như các hãng sản xuất máy bay, họ chỉ nhận được thanh toán khi máy bay được giao cho khách hàng. Thông thường, các hãng hàng không sẽ thanh toán hơn 50% giá trị đơn hàng khi nhận máy bay.

Airbus  nỗ lực hết sức cắt giảm chi phí để không rơi vào tình cảnh bắt buộc phải sa thải nhân viên

Airbus nỗ lực hết sức cắt giảm chi phí để không rơi vào tình cảnh bắt buộc phải sa thải nhân viên. (Ảnh: minh họa)

Giám đốc tài chính Greg Smith của Boeing cho biết, Hãng này đang đàm phán về thời gian giao hàng với một số khách nhằm duy trì sản lượng sản xuất. Sau các cuộc đàm phán này, một số hàng hãng không có thể đồng ý mua máy bay hoặc dịch vụ vào các năm sau. Các hợp đồng máy bay thường cho phép bên mua hủy đơn hàng mà không bị phạt tiền nếu nhà sản xuất trì hoãn giao hàng từ 1 năm trở lên. Do áp lực tài chính, Boeing đã cắt giảm sản xuất và sa thải 10% trong tổng số 160.000 nhân viên trên toàn cầu.

Giám đốc điều hành hãng sản xuất máy bay hàng đầu châu Âu Airbus Guillaume Faury cho biết, hãng sẽ nỗ lực hết sức cắt giảm chi phí để không rơi vào tình cảnh bắt buộc phải sa thải nhân viên.

Theo ông Faury, trong bối cảnh khủng hoảng dịch bệnh, hoạt động kinh doanh của Airbus có nguy cơ bị đe dọa nếu không có các biện pháp đúng đắn. Hãng không thể đảm bảo là sẽ không có chuyện sa thải nhân viên. Tuy nhiên, CEO Airbus cho biết, sẽ nỗ lực hết sức để tránh biện pháp này. Có nhiều biện pháp mà Airbus có thể triển khai giữa sa thải tự nguyện và sa thải bắt buộc.

Trong thư gửi nhân viên, ông Faury cảnh báo Airbus sẽ phải tiến hành sa thải bắt buộc do hoạt động của ngành hàng không chưa phục hồi với tốc độ như dự báo bởi tác động của Đại dịch Covid-19.

Airbus cho biết, hãng sẽ cắt giảm 5.000 vị trí tại Pháp, 5.100 tại Đức, 900 tại Tây Ban Nha, 1.700 tại Anh và 1.300 tại một số nơi khác vào giữa năm 2021. Ngoài ra còn 900 nhân sự đã được lên kế hoạch sa thải trước đó tại một đơn vị ở Đức.

Giám đốc điều hành Airbus Guillaume Faury bày tỏ, Airbus  không còn lựa chọn nào khác bởi cuộc khủng hoảng ngành công nghiệp thật kinh khủng. “Đây là thực tế chúng ta phải đối mặt và chúng tôi đang cố gắng đưa ra một viễn cảnh dài hạn cho Airbus”, CEO Faury nói.

Năm “lao dốc không phanh” của Boeing và Airbus

Bên cạnh hiểm họa chết người, trong năm 2020, dịch Covid-19 là "kẻ tội đồ" đã gần như chặn đứng các ngả đường đi lại của nhân loại. Trong lĩnh vực giao thông, dường như hai "ông lớn" sản xuất máy bay của thế giới là Boeing và Airbus bị "ăn đủ nặng nề" nhất. Thống kê cho thấy, số lượng đơn đặt hàng ròng của hai tập đoàn chế tạo máy bay lớn Airbus và Boeing trong năm 2020 đã tụt đáy nghiêm trọng.

 

Phương Ngân