Nhiều thách thức đối với tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế thế giới bất định

00:00 12/10/2020

Trung Quốc dẫn đầu về vốn đầu tư trực tiếp (FDI) đăng ký mở mới vào Việt Nam với 1,3 tỷ USD để thực hiện 187 dự án.

Đẩy mạnh một loạt dự án mới

Với số vốn 280 triệu USD, nhà máy chế tạo lốp xe Radian toàn thép ACTR là dự án đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm. Dự án tại Tây Ninh này thuộc về một doanh nghiệp Trung Quốc. Trong số 5 dự án đầu tư mới lớn nhất, nhà đầu tư Trung Quốc còn góp mặt ở dự án sản xuất lốp cao su tại Tiền Giang với 214 triệu USD.

Nhà máy sản xuất lốp xe. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), sau 4 tháng, Trung Quốc vươn lên dẫn đầu về vốn đầu tư trực tiếp (FDI) đăng ký mở mới vào Việt Nam với 1,3 tỷ USD để thực hiện 187 dự án.

Trong khi đó, các quốc gia, vùng lãnh thổ là đối tác đầu tư lớn khác của Việt Nam trung bình rót khoảng hơn 600 triệu USD cho các dự án mới.

Trung Quốc dẫn đầu các nước có vốn đăng ký mới lớn nhất. Đơn vị: triệu USD.

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Nghiên cứu & Chính sách (VEPR) nhận định sự vươn lên của FDI từ Trung Quốc là hiện tượng có thể thấy từ 2 quá trình. Về dài hơi là sự dịch chuyển vốn khỏi Trung Quốc từ ngay chính các doanh nghiệp của nước này. Trong ngắn hạn, sự dịch chuyển dòng vốn của các doanh nghiệp để ứng phó với căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, chiến lược "Vành đai - con đường" và đón đầu hiệp định CPTPP.

Bên cạnh yếu tố từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright còn cho rằng tăng trưởng suy giảm là một nguyên nhân khác khiến doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư sang Việt Nam. Năm 2018, tăng trưởng kinh tế nước này ở mức 6,6%, thấp nhất trong vòng 28 năm qua. Nhiều chuyên gia nhận định tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể chỉ đạt 6,3% năm 2019.

4 tháng, vốn Trung Quốc vào Việt Nam bằng 70% cả năm 2018

Nếu tính cả đăng ký thêm và góp vốn mua cổ phần, Trung Quốc vươn lên vị trí thứ tư về tổng lượng vốn đầu tư rót vào Việt Nam trong 4 tháng với 1,69 tỷ USD, sau Hong Kong, Hàn Quốc, Singapore.

Lượng vốn Trung Quốc trong 4 tháng bằng 70% mức thu hút từ các doanh nghiệp nước này trong cả năm 2018. Năm ngoái, Trung Quốc đứng thứ 5 trong số các nhà đầu tư lớn vào Việt Nam.

Trung Quốc đứng thứ 4 trong số các quốc gia dẫn đầu về vốn đầu tư vào Việt Nam. Đơn vị: tỷ USD.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Thành lưu ý, theo quan sát, thực tế, doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam không nhiều so với các nền kinh tế khác. Doanh nghiệp Trung Quốc hiện tham gia đầu tư trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến chế tạo nhưng theo ông Thành cũng chỉ là phần nhỏ.

"Không chỉ thông qua các doanh nghiệp, vốn của Trung Quốc vào Việt Nam phần nhiều qua chỉ định thầu. Trung Quốc thường cho vay, cấp vốn đề xây dựng các dự án về hạ tầng, giao thông, năng lượng... Điều này có thể thấy qua các dự án được phản ánh chậm tiến độ được nhắc đến như metro, gang thép Thái Nguyên, các nhà máy năng lượng điện...", ông Thành nêu.

Lũy kế đến ngày 20/4, số dự án còn hiệu lực của Trung Quốc là hơn 2.300 với tổng số vốn 14,86 tỷ USD, đứng thứ 7 trong số các quốc gia đầu tư lớn tại Việt Nam. Với lượng vốn đầu tư xấp xỉ, tuy nhiên, số dự án của Malaysia chỉ bằng 1/4 Trung Quốc.

Dẫn đầu về đầu là Hàn Quốc với hơn 7.700 dự án, tổng số vốn là 64.306 tỷ đồng.

Tổng vốn, dự án đầu tư còn hiệu lực của các nước tại Việt Nam đến ngày 20/4. Đơn vị: triệu USD.

Nam Anh