Nhiều giải pháp quan trọng, hiệu quả trong việc triển khai các dự án đường bộ cao tốc

10:03 02/06/2023

Thời gian qua, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các ban, ngành, địa phương, rất nhiều giải pháp quan trọng, hiệu quả đã được đưa ra để tổ chức triển khai các dự án đường bộ cao tốc.

Phát biểu tại Hội nghị trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai dự án đường bộ cao tốc, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, mục tiêu được Đảng và Chính phủ đề ra là năm 2030 cả nước phấn đấu sẽ có 5.000km đường cao tốc, năm 2025, hoàn thành đường cao tốc phía Đông và trên 3.000km đường cao tốc. Tuy nhiên, từ năm 2000-2020, cả nước mới hoàn thành gần 1.200km đường cao tốc, khối lượng công việc còn lại rất lớn. Thời gian qua, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các ban, ngành, địa phương, rất nhiều giải pháp quan trọng, hiệu quả đã được đưa ra để tổ chức triển khai các dự án đường bộ cao tốc, đến nay, đã đạt được tiến độ và kế hoạch đề ra. Điển hình là phân cấp, phân quyền cho các địa phương quản lý đầu tư xây dựng các dự án đường cao tốc, từ đó phát huy nguồn lực từ Trung ương đến địa phương, gắn với trách nhiệm trong triển khai.

Ảnh minh họa
Một đoạn cao tốc La Sơn - Tuý Loan kết nối với tuyến Cam Lộ - La Sơn.

Cụ thể, Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 (2017-2020) đã triển khai 11 dự án, đưa vào khai thác 6 dự án; trong đó, có 1 dự án PPP (hợp tác công tư); 5 dự án còn lại có 3 dự án phải hoàn thành trong năm 2023; còn 2 dự án hoàn thành trong năm 2024.

Đặc biệt, tháng 6 này, theo chỉ đạo của Chính phủ và kế hoạch đề ra, nhiều dự án phân cấp cho địa phương sẽ tổ chức khởi công, xây dựng như: Châu Đốc - Cần Thơ - Cần Đề, Đồng Nai - Vũng Tàu, Nha Trang - Buôn Ma Thuột; Khu vực phía Bắc có tuyến Tuyên Quang - Hà Giang, Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng thẳng thắn chỉ ra ở một số địa phương còn có tình trạng lãnh đạo có tư tưởng đùn đẩy, né tránh. Trước tình hình đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác hậu kiểm, kiểm tra hiện trường, công tác giám sát.

Bên cạnh đó, ông Lê Đình Thọ đánh giá cao sự mạnh dạn đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách để phù hợp thực tiễn, tạo nên hành lang pháp lý mới nhằm tháo gỡ các vấn đề tồn tại. Nếu không có sự mạnh dạn này, thì việc giải quyết các điểm nghẽn của dự án sẽ rất khó khăn. Nhờ đó, những quy định pháp luật chưa phù hợp vốn tạo ra những rào cản trong việc triển khai các dự án trọng điểm đã được gỡ bỏ.

Tại hội nghị, đại diện các cơ quan của Bộ Giao thông Vận tải, các địa phương đang triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đã trao đổi, chia sẻ bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, công tác đầu tư, lập dự án, khảo sát thiết kế, giám sát khảo sát, quản lý thi công, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Đồng thời, đề xuất những khó khăn vướng mắc liên quan đến nguồn cung, biến động giá vật liệu xây dựng… sự phối hợp giữa Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương.

T.H