Theo báo cáo của JLL Việt Nam, thị trường trung tâm dữ liệu (Data Center) ở Việt Nam hiện đang bị chi phối bởi các công ty viễn thông trong nước như VNPT, Viettel IDC, FPT Telecom và CMC Telecom. Nhu cầu về dịch vụ đám mây và phân tích dữ liệu lớn đang gia tăng đáng kể, thúc đẩy sự phát triển của thị trường này.
Tuy nhiên, thị trường cũng đang chứng kiến sự tham gia ngày càng nhiều của các doanh nghiệp quốc tế. Một số dự án nổi bật như: Trung tâm dữ liệu công suất 20MW của Gaw Capital tại Khu Công nghệ cao TP.HCM, dự án công suất 30MW của Worldwide DC Solution, nhà phát triển trung tâm dữ liệu có trụ sở tại Singapore, dự án hợp tác giữa NTT, gã khổng lồ viễn thông Nhật Bản, với DQ Tek.
Đáng chú ý, Alibaba đã công bố kế hoạch thành lập trung tâm dữ liệu tại Việt Nam và dự kiến sẽ có sự tham gia của các nhà cung cấp dịch vụ đám mây toàn cầu, đặc biệt là từ Hoa Kỳ. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây từ Mỹ, như Google, Amazon, Microsoft, và Tencent, dự kiến sẽ đầu tư vào các trung tâm dữ liệu tại Việt Nam, theo JLL.
Trong báo cáo về thị trường châu Á - Thái Bình Dương, Savills nhận định rằng ngành trung tâm dữ liệu của Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới. Hiện tại, Việt Nam có 28 trung tâm dữ liệu tại ba miền với tổng công suất đạt 45MW. Savills cũng lưu ý rằng nguồn cung lĩnh vực này tại Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, và Malaysia vẫn ít hơn so với Hong Kong hay Singapore, mặc dù dân số của các quốc gia này đông hơn khoảng 30 lần.
Theo báo cáo tại hội nghị Data Center & Cloud Infrastructure Summit, tổng dung lượng thị trường trung tâm dữ liệu toàn cầu sẽ đạt khoảng 321 tỷ USD vào năm 2024, với tốc độ tăng trưởng trung bình 7,3%. Tại Việt Nam, dự báo rằng thị trường trung tâm dữ liệu sẽ bùng nổ, với quy mô đạt 1,27 tỷ USD vào năm 2030 và tốc độ tăng trưởng kép bình quân đạt 10,8%.
Sự phát triển mạnh mẽ này không chỉ phản ánh nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ đám mây và dữ liệu mà còn cho thấy tiềm năng lớn của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông. Điều này đồng thời đòi hỏi sự hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật, pháp lý và nguồn nhân lực để đảm bảo sự phát triển bền vững và hiệu quả của ngành.
P.V (t/h)